ThS.KTS Lê Anh Dũng báo cáo nội dung đồ án
Thay mặt liên danh tư vấn, ThS.KTS Lê Anh Dũng – Giám đốc Trung tâm QHXD 3 báo cáo tóm tắt nội dung đồ án. Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hà Giang trở thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia – điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại, hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic. Các khu đô thị được hình thành và mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng, kiến trúc bản sắc văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Xây dựng Hà Giang đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong Vùng trung du và miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước, tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá của cả nước, giữ vị trí quan trọng của Vùng trung du và miền núi phía Bắc về kinh tế, giữ vị trí quan trọng của quốc gia về an ninh môi trường khu vực đầu nguồn.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Giang là một vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững, có quy mô dân số khoảng 1,2-1,25 triệu người, trong đó khoảng 45,9% dân số sống tại 29 đô thị (phân bố hệ thống đô thị thành nhiều cấp, kết hợp giữa cải tạo đô thị cũ và xây dựng đô thị mới phù hợp với đặc thù riêng của từng vùng, trong đó TP Hà Giang là hạt nhân chính , thành phố du lịch quốc tế vùng cao), 55% dân số còn lại sống tại các vùng nông thôn với môi trường sống văn minh, hiện đại, giàu bản sắc được phục vụ bởi hệ thống kết cấu hạ tầng tiên tiến và hiệu quả.
Quy hoạch đã đề xuất các cực phát triển, tăng trưởng; Các trục động lực tăng trưởng; Các trụ cột tăng trưởng; Các khâu đột phá chiến lược; Phát triển các ngành, lĩnh vực: Phương án phát triển kết cấu hạ tầng; Phát triển không gian lãnh thổ. Trong đó, quy hoạch phân vùng không gian của tỉnh thành 3 vùng gồm:
- Vùng liên huyện TP Hà Giang và 04 huyện tiểu vùng thấp (tiểu vùng núi thấp), diện tích 435.379,74ha là tiểu vùng động lực phát triển của tỉnh.
- Vùng liên huyện Cao nguyên đá Đồng Văn (tiểu vùng cao núi đá phía Bắc). Phạm vi gồm: huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Diện tích: 234.471,98ha. Là công viên địa chất toàn cầu, có giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa các dân tộc bản địa mang ý nghĩa quốc gia, quốc tế. Là khu du lịch quốc gia, đầu mối thúc đẩy phát triển du lịch miền núi Bắc Bộ, là vùng cung ứng nguồn nguyên liệu nông lâm sản cho cụm ngành công nghiệp chế biến.
- Vùng liên huyện Hoàng Su Phì – Xín Mần (tiểu vùng cao núi đất) diện tích: 122.903,30ha. Là vùng phát triển lâm nghiệp, cung ứng nguồn nguyên liệu nông sản cho cụm ngành công nghiệp chế biến; phát triển du lịch đem lại sự phong phú trong tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh.
Đến năm 2030, tỉnh Hà Giang có 29 đô thị gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Hà Giang); 01 đô thị loại III (TT Việt Quang); 03 đô thị loại IV (TT. Vị Xuyên, TT. Yên Minh ,TT. Đồng Văn,); 24 đô thị loại V trong đó thành lập mới 4 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35%.
Góp ý cho nhóm nghiên cứu, các thành viên hội đồng đề nghị phân chia cấu trúc thuyết minh theo nhóm ngành, làm rõ thêm đặc thù của Hà Giang, làm rõ nguồn lực để đạt được chỉ tiêu 24 đô thị năm 2025 và 29 đô thị năm 2030…
Viện trưởng Lưu Đức Cường kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Viện trưởng Lưu Đức Cường đánh giá cao kết quả của đồ án. Theo ông, đồ án được thực hiện công phu, khoa học, khối lượng lớn công việc. Tuy nhiên, ông lưu ý nhóm nghiên cứu việc trình bày sao cho rành mạch, rõ nét, phân tích thêm về 4 trụ cột tăng trưởng, kiến nghị cần sắc nét hơn… Bên cạnh đó, ông đề nghị nhóm tiếp thu ý kiến của thành viên hội đồng, chỉnh sửa hoàn thiện đồ án để báo cáo các cấp trong thời gian tới.
Quang cảnh chung