Hội đồng KHKT VIUP họp góp ý đồ án “Điều chỉnh QHC xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045”

Đồ án "Điều chỉnh QHC xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045" đã được hội đồng KHKT VIUP xem xét góp ý vào chiều ngày 1/4/2024. Phó Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng chủ trì cuộc họp.

ThS.KS Đoàn Trọng Tuấn trình bày nội dung đồ án

ThS.KS Đoàn Trọng Tuấn thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm: thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng diện tích khoảng 4.947km2.

Theo đó, mục tiêu quy hoạch sẽ phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh về cơ cấu và chức năng; có khả năng cạnh tranh cao trong thu hút công nghiệp, công nghệ, du lịch và dịch vụ cũng như phát triển đô thị; Tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, có khả năng tiếp cận nhanh về hàng hóa và dịch vụ với vùng và quốc tế với nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao và nền kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; Xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành khu kinh tế có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả; Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn và là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Thành viên hội đồng góp ý kiến

Đồ án đưa ra dự báo dân số đến năm 2035: khoảng 120.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi); Đến năm 2045: dân số khoảng 180.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi);

Về mô hình phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là khu kinh tế tổng hợp với hạt nhân là cảng quốc tế Chân Mây, phát triển khu công nghiệp dịch vụ hậu cảng gắn đô thị và du lịch tại vịnh Lăng Cô. Các chức năng ưu tiên bố trí bao gồm công nghiệp đa ngành, công nghiệp luyện kim và chế biến sâu về kim loại, công nghiệp phụ trợ, cảng biển và dịch vụ cảng, thương mại, phi thuế quan (quy mô hợp lý), du lịch và các dịch vụ du lịch cao cấp khác. Từng bước tiến tới một đô thị thông minh với cuộc sống và các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế.

Cấu trúc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô sẽ có 02 hành lang phát triển:

Hành lang đô thị - dịch vụ - cảng - công nghiệp và hành lang du lịch sinh thái và đô thị dịch vụ mới.

Quang cảnh cuộc họp

Cấu trúc không gian thành 06 khu vực phát triển chính: (1). Khu vực cảng Chân Mây (Cảng tổng hợp - Loại I): Là không gian cảng nước sâu, không gian dịch vụ hậu cảng, công nghiệp gắn với hoạt động cảng biển; (2). Khu vực Khu công nghiệp Chân Mây: Định hướng mô hình công nghiệp tổng hợp, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng...; (3). Khu vực đô thị Chân Mây: Định hướng là khu đô thị đa năng, đô thị thông minh, có chức năng về khu nghiên cứu và dịch vụ, triển lãm, hội nghị, dịch vụ cho khu vực sản xuất; (4). Khu vực ven biển từ Cảnh Dương đến mũi Chân Mây Tây: Định hướng chức năng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái; (5) Khu phía Nam đường quốc lộ 1A (xã Lộc Tiến, xã Lộc Thủy): Phát triển khu công nghiệp đa ngành, kỹ thuật cao, chế biến kim loại...; (6) Phân vùng phía Lăng Cô.

Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và uỷ viên hội đồng đánh giá đồ án được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung thêm cơ sở phương pháp luận về các dự báo, phân tích kỹ về khung thiên nhiên, khung bảo tồn và lợi thế cạnh tranh về cảng biển, về phát triển du lịch, giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH…

Phó viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng kết luận

Kết luận cuộc hop, Phó viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng đánh giá đồ án được thực hiện một cách nghiêm túc, cẩn thận. Phó viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng đề nghị nhóm cần làm rõ lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; làm rõ những khó khăn về hạ tầng và điều kiện tự nhiên; nghiên cứu thêm về các giải pháp ứng phó BĐKH… Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các chuyên gia phản biện và thành viên hội đồng, sớm chỉnh sửa hoàn thiện nội dung đồ án trình thẩm định.

 

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website