Hội đồng KHKT VIUP họp góp ý đồ án "QHC XD khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030"

Đồ án "QHC XD khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030" đã được hội đồng KHKT VIUP xem xét góp ý vào ngày 17/9/2018. Hội đồng gồm 15 thành viên do Viện trưởng Lưu Đức Cường làm chủ tịch

Quang cảnh chung

ThS.KTS Lê Anh Dũng, thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu. Theo đó đồ án này được nghiên cứu ở 2 cấp độ bao gồm: Nghiên cứu định hướng QHC trên tổng thể toàn khu du lịch bao gồm 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La có tổng diện tích tự nhiên là 206.150ha. và nghiên cứu lập QHC XD Khu trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu gắn với quy mô khoảng 2000ha (trong đó các khu vực dân cư lân cận quy mô khoảng 500ha).

ThS.KTS Lê Anh Dũng báo cáo nội dung đồ án

Mục tiêu quy hoạch xây dựng nhằm phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước; Hình thành một trọng điểm du lịch tầm quốc gia với những định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ.

Dự báo đến năm 2030 dân số đạt khoảng 274.500 người; khách du lịch đạt trên 5 triệu lượt.

Đồ án đưa ra định hướng quy hoạch không gian và sử dụng đất toàn khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Hình thành 3 tiểu vùng:

- Tiểu vùng phía Bắc - Đông Bắc: phát triển dân cư, nông nghiệp, sinh thái gắn liền với cây lương thực, chăn nuôi đại gia súc và khai thác du lịch văn hóa, du lịch trên sông Đà

- Tiểu vùng trung tâm: Là tiểu vùng động lực phát triển kinh tế đô thị - du lịch - nông nghiệp gắn với khai thác lợi thế tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và quốc lộ 6, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm đặc trưng

- Tiểu vùng Nam - Tây Nam: là tiểu vùng biên giới gắn với rừng đặc dụng Xuân Nha; phát triển dân cư - phát triển dịch vụ  thương mại và du lịch quốc tế, du lịch sinh thái rừng đặc dụng

 Tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ quy hoạch xây dựng 5 đô thị gồm: Đô thị Mộc Châu thành đô thị du lịch xanh, sinh thái, đẹp, hiện đại; Đô thị Vân Hồ là đô thị huyện lỵ của huyện Vân Hồ, đồng thời cũng là trung tâm dịch vụ hỗ trợ cho Trung tâm du lịch trọng điểm của Khu DLQG Mộc Châu; Đô thị Lóng Sập đóng vai trò hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội và dân cư của khu vực biên giới; Đô thị Tô Múa: Hỗ trợ cho phát triển dân cư nông thôn, nông - lâm - thủy sản vùng dọc sông Đà; Đô thị Chiềng Sơn; hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội và dân cư của tiểu vùng biên giới gắn với rừng đặc dụng Xuân Nha.

Theo định hướng phát triển không gian, Trung tâm du lịch trọng điểm sẽ chia thành 3 khu quy mô khoảng 1500 ha.

- Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu: Diện tích 442ha là khu du lịch tổng hợp tập trung các loại hình sản phẩm du lịch chính nhu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, văn hóa, dịch vụ lưu trú...

- Trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu:Diện tích 460ha. Phát triển các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, thể thao cao cấp, vui chơi giải trí đặc biệt, dịch vụ lưu trú, khu khách sạn cao cấp, khu hội nghị, hội thảo, thương mại...

- Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu: Diện tích 600ha. Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như nghỉ dưỡng núi, điều dưỡng chữa bệnh

Bên cạnh đó, đồ án đưa ra định hướng phát triển không gian khu dân cư nông thôn, các khu du lịch khác, vùng đệm trung tâm du lịch trọng điểm, phát triển kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược, các dự án ưu tiên đầu tư, lộ trình thực hiện.

Các thành viên hội đồng đã góp ý cho đồ án như cần bổ sung Luật Du lịch 2017, phân tích kỹ hơn về tiềm năng du lịch của vùng, bản đồ liên kết du lịch, làm rõ tuyến giao thông nào khó tiếp cận để có dự án ưu tiên đầu tư...

Viện trưởng Lưu Đức Cường - chủ tịch hội đồng két luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Viện trưởng Lưu Đức Cường đánh giá đồ án được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, ông đề nghị nhóm nghiên cứu rà soát kỹ dự báo khách du lịch, viết và phân tích kỹ về hiện trạng, đánh giá tài nguyên du lịch, đề xuất phát triển du lịch; Bổ sung thêm bản vẽ riêng minh họa tour, tuyến, điểm du lịch, cả du lịch liên vùng; Với vùng sinh thái địa hình phức tạp cần bổ sung bản đồ khu vực cần bảo tồn, khu vực rừng đặc dụng, khu vực cảnh quan có giá trị, chỉ ra vùng kiểm soát phát triển, cấp độ bảo tồn; Bổ sung bản đồ các vùng có rủi ro thiên nhiên cao... Ông lưu ý nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của hội đồng sớm hoàn thiện đồ án.

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website