Hội đồng KHKT VIUP họp góp ý đồ án "QHC XD khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040"

Đồ án "QHC XD khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040" đã được hội đồng KHKT VIUP xem xét góp ý vào ngày 15/3/2022. Hội đồng do Viện trưởng Lưu Đức Cường làm chủ tịch. Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai.

ThS.KTS Lưu Hoàng Tùng trình bày nội dung đồ án

ThS.KTS Lưu Hoàng Tùng, thay mặt nhóm nghiên cứu Trung tâm QHXD2  trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu. Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập QHC xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã Sa Pa, có diện tích 68.137ha. Phạm vi lập QHC xây dựng gồm: Trung tâm của Khu du lịch quốc gia Sa Pa có diện tích khoảng 6.090ha, trong đó bao gồm diện tích đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu và khu vực nghiên cứu mở rộng không gian; 04 phân khu du lịch thuộc thị xã Sa Pa được kết nối với trung tâm của khu du lịch quốc gia Sa Pa, gồm các phân khu: Ngũ Chỉ Sơn; Tả Phìn; Tả Van – Séo Mý Tỷ và Thanh Bình với quy mô và phạm vi giới hạn từng phân khu du lịch được xác định cụ thể trong bản đồ quy hoạch.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, toàn khu du lịch quốc gia Sa Pa trở thành một thành phố du lịch, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, đồng bộ, hiện đại với sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu, và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Quy hoạch chung xây dựng Trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa (đô thị du lịch lõi Sa Pa) và các phân khu du lịch có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, tiện ích dịch vụ đồng bộ, bảo vệ và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa, kiến trúc và cảnh quan tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và đô thị bền vững.

Về cấu trúc không gian tổng thể: Khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa gồm 3 hành lang, 1 trung tâm, 4 vệ tinh, 4 vùng phát triển. Cấu trúc không gian tổng thể khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa phát triển theo cấu trúc mở, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng, được bố trí linh hoạt dựa trên đặc điểm tự nhiên, văn hóa và lợi thế kinh tế của từng khu vực. Vườn quốc gia Hoàng Liên, núi Ngũ Chỉ Sơn, thung lũng Mường Hoa, hồ, suối và vùng nông nghiệp là hệ khung thiên nhiên đóng vai trò cân bằng trong phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa.

Về định hướng phát triển các phân khu, Khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa bao gồm 5 phân khu đô thị:

Phân khu 01: Trung tâm hành chính, đô thị giao lưu văn hóa Tây Bắc, diện tích 636ha

Phân khu 02: Đô thị dịch vụ du lịch Suối Hồ, diện tích 616,59ha

Phân khu 03: Đô thị dịch vụ du lịch văn hóa dọc thung lũng Mường Hoa, diện tích 1.486,93ha

Phân khu 04: Đô thị du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, diện tích 1.547,1ha

Phân khu 05: Đô thị du lịch sinh thái cao cấp phía Bắc tuyến đường tránh qua khu vực trung tâm thị xã Sa Pa, diện tích 1.776,37ha

Và 4 phân khu du lịch:

Phân khu Ngũ Chỉ Sơn: Là trung tâm du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi giải trí thể thao mạo hiểm, sân golf. Diện tích  285ha

Phân khu Tả Phìn: Là trung tâm du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao. Diện tích 185ha

Phân khu Tả Van: Là trung tâm du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Mông, Dáy. Diện tích 306ha

Phân khu Thanh Bình: Là trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng phía Đông Nam của đô thị du lịch Sa Pa kết nối với cảng hàng không Sa Pa gắn với nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và thể thao golf; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Xa Phó, Tày. Diện tích 330ha

Bên cạnh đó, đồ án đưa ra tổ chức không gian và thiết kế đô thị, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược và kinh tế đô thị.

Các thành viên hội đồng đã góp ý cho đồ án như cần bổ sung cấu trúc địa hình, bản sắc văn hóa, yếu tố con người, làm rõ động lực phát triển du lịch, bổ sung thêm hầm Hoàng Liên…

Ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai đóng góp ý kiến cho đồ án

Viện trưởng Lưu Đức Cường kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Viện trưởng Lưu Đức Cường đánh giá đồ án được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, ông đề nghị nhóm nghiên cứu rà soát kỹ đất rừng, đất phát triển đô thị, bổ sung kết nối cụm, tuyến, điểm du lịch, bản đồ phân bố dân cư, cập nhật số liệu mới nhất... Ông lưu ý nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của hội đồng, sớm chỉnh sửa hoàn thiện đồ án để trình Bộ Xây dựng thẩm định trong tháng 3.

Viện trưởng Lưu Đức Cường tặng sách "Hướng dẫn quy hoạch đô thị điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất" do ông làm chủ biên cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website