Hội đồng KHKT VIUP họp góp ý đồ án “QHC đô thị Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2045”

Ngày 15/4/2024, hội đồng KHKT Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia do PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng - Viện trưởng làm chủ tịch đã họp xem xét góp ý đồ án “QHC đô thị Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2045”.

ThS.KS Nguyễn Tiến Chung trình bày nội dung đồ án

ThS.KS Nguyễn Tiến Chung, thay mặt nhóm nghiên cứu trung tâm QHXD 2 trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Đức Hòa (gồm 3 thị trấn và 17 xã). Diện tích lập quy hoạch khoảng 42.511 ha. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm:

- Cụ thể hoá định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, phương hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch chuyên ngành, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; làm cơ sở đầu tư xây dựng, phát triển đô thị Đức Hòa đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III, giai đoạn dài hạn hướng tới đạt tiêu chí đô thị loại II và trở thành thành phố thuộc tỉnh Long An.

- Cụ thể hoá các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Đức Hòa trở thành một cực phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ phía Đông Bắc tỉnh, gắn kết chặt chẽ với TP.HCM thông qua kết nối giao thông đường bộ.

- Khai thác thế mạnh trong liên kết vùng khu vực tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng phụ cận trong tỉnh Long An thông qua hệ thống giao thông hiện hữu và các tuyến đường định hướng theo quy hoạch, hướng tới phát triển đô thị Đức Hòa trở thành trung tâm của vùng động lực phía Nam, đô thị có vai trò động lực trong vành đai đô thị Tân An – Cần Thơ, trong chuỗi đô thị gắn với vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tạo lập không gian, khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả để phát triển những ngành kinh tế có tiềm năng, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững; xây dựng không gian đô thị Đức Hòa theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, kiểm soát phát triển không gian đô thị, các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch và các khu vực chức năng khác; làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung của đô Tính chất đô thị

- Làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quản lý phát triển đô thị, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch.

Thành viên hội đồng phát biểu

Trên cơ sở tầm nhìn, chiến lược và mô hình phát triển tập trung đa cực, nhóm nghiên cứu đề xuất cấu trúc phát triển đô thị Đức Hòa gồm: Ba hành lang – Ba vành đai trong đó 3 hành lang gồm: Hành lang cao tốc Bắc Nam; Hành lang đường vành đai 4; Hành lang liên kết đô thị. 3 vành đai gồm: Vành đai công nghiệp; Vành đai sinh thái và vành đai xanh tự nhiên.

Dựa trên mô hình tập trung đa cực, đa chức năng gắn kết với nhau tạo thành tổng thể hài hòa, đồng bộ chức năng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Căn cứ điều kiện địa hình tự nhiên, hình thái phân bố dân cư, chức năng, đề xuất chia thành 04 vùng phát triển:

  • Vùng I: Vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung phía Bắc
  • Vùng II: Vùng đô thị dịch vụ thương mại trung tâm
  • Vùng III: Vùng phát triển sinh thái ven sông Vàm Cỏ Đông
  • Vùng IV: Vùng phát triển công nghiệp

Tại cuộc họp, các phản biện và thành viên hội đồng đánh giá đồ án được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, hội đồng đã góp ý một số vấn đề như xem xét lại phân vùng cho phù hợp, khai thác lợi thế hệ thống sông nước, kênh rạch, bảo tồn hệ sinh thái, bổ sung đánh giá kết nối vùng về giao thông, bổ sung sơ đồ thực trạng dân số các xã, có thêm nghiên cứu về văn hóa…

Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch hội đồng - Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Ông cho rằng khu vực này có nhiều tiềm năng, cơ hội để tạo nên một đô thị hấp dẫn. Do vậy, ông  đề nghị nhóm nghiên cứu cần nhấn mạnh vào lợi thế về hệ thống sinh thái, làm nổi bật hệ thống cây xanh, mặt nước và ý tưởng khai thác mở rộng làm cho cây xanh mặt nước trở nên đặc sắc, hấp dẫn hơn nhằm tạo cảnh quan và nâng cao chất lượng sống đô thị. Bên cạnh đó, ông lưu ý trục giao thông chính đã được hoạch định trong đồ án Quy hoạch tỉnh Long An nhưng chỉ nên xác định là đường giao thông trong đô thị chứ không phải là trục vận chuyển hàng hóa xuyên qua đô thị. Và trên đường giao thông đó có thể hình thành các điểm, các trung tâm đô thị nhỏ. Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến hội đồng, sớm hoàn thiện đồ án.

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website