ThS.KS Nguyễn Anh Tuấn, thay mặt nhóm nghiên cứu Trung tâm QHXD4 trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu. Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập QHC thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 bao gồm diện tích tự nhiên (trên bờ) 589,27 km2 và các không gian biển liên quan, gồm 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ và Thổ Châu.
Nhóm nghiên cứu đưa ra 4 chiến lược phát triển đối với thành phố Phú Quốc gồm bảo tồn tài nguyên, phát huy giá trị biển đảo, phát triển đô thị biển đảo đặc sắc và phát triển du lịch.
Dự báo dân số đến năm 2040 là 680.000 người. Dự báo phát triển du lịch, đến năm 2040, Phú Quốc sẽ đón khoảng 14,6 triệu lượt khách du lịch – tương đương với lượng khách du lịch đến Phuket (14,4 triệu lượt) và Bali (15,8 triệu lượt) trước thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Đồ án đề xuất Phú Quốc hướng đến mô hình kết hợp đa dạng cấu trúc gắn với đặc trưng địa hình sinh thái và cảnh quan của từng khu vực. Theo đó, Phú Quốc sẽ bao gồm 12 khu vực như sau:
Khu vực đô thị du lịch hỗn hợp chính gồm:
Khu vực 1: Khu đô thị trung tâm Dương Đông
Khu vực 2: Khu đô thị du lịch hỗn hợp Bãi Trường
Khu vực 3: Khu đô thị du lịch hỗn hợp Bãi Ông Lang – Cửa Cạn
Khu vực 6: Khu đô thị An Thới
Khu đô thị đặc trưng gồm:
Khu vực 4: Khu đô thị du lịch hỗn hợp Bãi Vòng
Khu vực 5: Khu đô thị du lịch hỗn hợp Bãi Sao
Khu vực 7: Khu đô thị du lịch hỗn hợp Vịnh Đầm
Khu vực 8: Khu đô thị du lịch hỗn hợp Bãi Khem và Mũi Ông Đội
Khu vực 9: Khu vực ven biển phía Đông Bắc (đô thị du lịch hỗn hợp Bãi Thơm)
Khu vực 10: Khu vực ven biển phía Bắc (đô thị du lịch hỗn hợp Gành Dầu, Rạch Vẹm, Rạch Tràm)
Khu vực 11: Khu vực ven biển phía Tây Bắc (khu đô thị du lịch hỗn hợp Bãi Dài, Vũng Bàu)
Khu vực 12: Quần đảo Nam An Thới
Bên cạnh đó, đồ án đưa ra định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược..
Các thành viên hội đồng đã góp ý cho đồ án như cần bổ sung lý do điều chỉnh quy hoạch, thêm các giải pháp về bảo tồn, giải pháp phát triển du lịch, về mặt xã hội…
Kết luận cuộc họp, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm đánh giá đồ án được nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc. Tuy nhiên, bà đề nghị nhóm nghiên cứu xem lại ghi chú, ký hiệu cho dễ hiểu, tránh gây hiểu nhầm; Bảng biểu cần ngắn gọn, rõ ràng, tách riêng phần du lịch và đô thị, đưa ra chiến lược phù hợp với từng phần; Cấu trúc lại thuyết minh cho mạch lạc... Ngoài ra, bà lưu ý nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của hội đồng, sớm chỉnh sửa hoàn thiện đồ án.