Hội đồng KHKT VIUP tổ chức họp góp ý đồ án QHC TP. Thủ Đức đến năm 2040

Ngày 8/3/2023, Hội đồng KHKT VIUP do Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm làm chủ tịch đã họp góp ý đồ án QHC TP. Thủ Đức đến năm 2040 do Trung tâm QHXD 4 phối hợp với Công ty cổ phần enCity Việt Nam thực hiện.

Báo cáo tóm tắt nội dung đồ án, ThS.KS Phạm Thị Huệ Linh – Giám đốc Trung tâm QHXD 4 cho biết thành phố Thủ Đức bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trước đây, với tổng diện tích đất tự nhiên là 21.156,9ha. Thành phố Thủ Đức nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh, tiếp giáp với khu vực trung tâm của thành phố, được kết nối qua hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Sài Gòn, đại lộ Phạm Văn Đồng (nối thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất).

Qua phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống không gian mở (tự nhiên và nhân tạo), hiện trạng phát triển đô thị, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật… đồ án xác định tầm nhìn đến năm 2060 TP. Thủ Đức là đô thị sáng tạo, tương tác cao dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ và hợp tác phát triển; là động lực phát triển mới của TP. Hồ Chí Minh và là hạt nhân đổi mới sáng tạo của vùng TP. Hồ Chí Minh. Là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị thông minh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ Đức được nhận diện và phân vùng định hướng phát triển theo 8 phân vùng với những yếu tố đặc trưng để bảo vệ bản sắc, đặc trưng riêng, phát huy tiềm năng và giá trị, cũng như giải quyết các thách thức của mỗi phân vùng. Trên cơ sở 8 phân vùng đó, định hướng quy hoạch theo 36 khu vực, để làm cơ sở quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch và cung cấp hạ tầng.

Phân vùng số 1: Là khu đô thị trung tâm, bao gồm bán đảo Thủ Thiêm, Thảo Điền, An Phú. Khu vực Thủ Thiêm được định hướng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực trong tương lai, cùng với các khu vực Thảo Điền, An Phú, với các hình ảnh đô thị mới, hiện đại, các hoạt động kinh doanh, công nghệ cao.

Phân vùng số 2: Khu đô thị cửa ngõ về phía Tây Bắc của TP. Thủ Đức, là khu đô thị Hiệp Bình… Phân vùng này chạy ven bờ sông Sài Gòn, nằm tiếp giáp với các trung tâm phát triển mới trong tương lai nên có tiềm năng cải tạo, chỉnh trang, dựa vào dư địa phát triển và động lực phát triển mới nhằm cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Phân vùng số 3: Về phía Nam là khu đô thị ven sông phía Tây Nam của thành phố, bao gồm các khu tiêu biểu như Thạnh Mỹ Lợi và khu đô thị cảng Cát Lái. Đây là khu vực phát triển sôi động, có hoạt động kinh tế công nghiệp, có các khu dân cư và đa dạng các chức năng. Khu vực Thạnh Mỹ Lợi là khu dân cư đa dạng về văn hóa, quốc tịch, là một điểm đến cũng như một khu dân cư có nhiều tiềm năng trong tương lai.

Phân vùng số 4: Khu vực Trường Thọ - Rạch Chiếc: Việc kết nối 2 khu vực này sẽ tạo ra một khu đô thị đa chức năng sầm uất, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực phía Bắc Thủ Đức, cung cấp các dịch vụ hạ tầng cho các khu hiện hữu lân cận. Đây cũng là khu vực tiếp giáp với sông Sài Gòn, có nhiều giá trị cảnh quan văn hóa có thể khai thác.

Phân vùng số 5: Khu vực trung tâm quận Thủ Đức cũ và Linh Trung: Đây là khu vực có các cơ hội phát triển mới, ví dụ như tại khu Linh Trung, nhưng đồng thời phải gìn giữ các di sản.

Phân vùng số 6: Khu vực Trường Phú sẽ có trọng tâm phát triển tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, là nguồn cung cấp việc làm trình độ cao cho dân cư thành phố.

Phân vùng số 7: Khu đô thị sinh thái Long Phước – Tam Đa. Đây là nơi có kết nối giao thông tốt, có tiềm năng kết nối ở hai đầu về phía Đông, thuận lợi cho việc kết nối Thủ Đức và toàn bộ TP. Hồ Chí Minh với các hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải.

Phân vùng số 8: Khu vực Long Bình: là khu hỗn hợp nhiều chức năng, với tiềm năng lớn tại khu công viên văn hóa lịch sử và khu sân gôn, khiến cho các công viên trở thành đặc điểm quan trọng của khu vực này.

Nhóm nghiên cứu cũng đã rà soát các quy hoạch và dự án có liên quan và quy hoạch sử dụng đất, minh hoạ phương án thiết kế các trọng điểm phát triển, đưa ra phương án phân bố dân số. Bên cạnh đó, các định hướng  quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của đồ án và đánh giá môi trường chiến lược đã được đề cập trong báo cáo.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch hội đồng Phạm Thị Nhâm cho rằng khu vực này có Trung tâm tài chính nên cần xác định mô hình của trung tâm tài chính, mối liên hệ với các khu vực xung quanh. Ngoài ra, cần rà soát quỹ đất trong TP. Thủ Đức, đưa ra nguyên tắc đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất cho mục đích xã hội hóa. Bên cạnh đó, bà đưa ra góp ý về thiết kế đô thị đối với khu vực quận Thủ Đức trước đây, phân bố dân cư, giải pháp chống ngập, kết nối giao thông với Bình Dương… Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm cho rằng đồ án được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu, đi đúng hướng. Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu ý kiến của phản biện và các thành viên hội đồng để hoàn thiện đồ án.

(Nguồn:Trung tâm Thông tin, Đào tạo & Họp tác quốc tế)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website