Hội nghị Chuyển đổi số ngành Xây dựng và những kết quả ban đầu trong công tác chuyển đổi số tại Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia

Ngày 27/8/2024, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị chuyển đổi số ngành Xây dựng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì.

Đây là hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số đầu tiên của ngành Xây dựng được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, phù hợp với chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, qua phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác chuyển đổi số tới các đơn vị trong ngành và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ của Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng, công tác chuyển đổi số ngành Xây dựng đến nay đã và đạt được nhiều kết quả tích cực: nhận thức và hành động về chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ và ngành Xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho các cán bộ, công chức viên chức ngành Xây dựng được tăng cường; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật ngành Xây dựng, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được lồng ghép nội dung chuyển đổi số, giảm giấy tờ công dân, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng được hợp nhất từ Cổng dịch vụ công Bộ Xây dựng và hệ thống một cửa điện tử. Hiện nay hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ đã được nâng cấp, kết nối, đồng bộ dữ liệu… cơ bản đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; Năm 2023, Bộ Xây dựng xếp thứ 6 về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin được chú trọng và từng bước được đầu tư, đảm bảo đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ Xây dựng trên môi trường điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai và đưa vào hoạt động nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã đề cập tới một số hạn chế và thách thức trong công tác chuyển đổi số của ngành Xây dựng.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự được nghe Báo cáo về chuyển đổi số ngành Xây dựng; các bài Tham luận về: “Thực trạng triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam, kiến nghị - đề xuất”; “BIM và Chuyển đổi số trong ngành Xây dựng”; “Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch & phát triển đô thị trên nền tảng GIS”; tham luận của một số Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh; TP. Đà Nẵng; của C06 - Bộ Công an; của Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông; Tập đoàn VNPT; Tập đoàn Viettel…..

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm để các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tập trung nguồn lực triển khai, thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới, tập trung vào việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền; hoàn thiện thể chế pháp luật; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, tạo lập, phát triển dữ liệu… Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện, ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng nền tảng số dùng chung; tăng cường phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số để triển khai các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng mô hình trợ lý ảo phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin; chú trọng rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, số hóa các thủ tục, hồ sơ hành chính.

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã và đang từng bước chuyển đổi theo hướng số hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh trong công tác nghiên cứu đồ án QHXD và quản trị đơn vị nhằm tạo ra sự đột phá trong nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng và tăng năng suất, hiệu quả lao động trong toàn Viện và bước đầu đạt được một số thành quả nhất định.

Trong các năm những năm gần đây, Viện VIUP đã tổ chức các khóa đào tạo ứng dụng phần mềm ArGIS trong quy hoạch xây dựng; ứng dụng phần mềm TransCAD trong dự báo nhu cầu giao thông trong quy hoạch xây dựng, ứng dụng Hệ thống quản lý thông tin công trình (BIM) trong quy trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch xây dựng.

Khai giảng khóa đào tạo "Ứng dụng công nghệ BIM cho công tác quy hoạch"

Viện VIUP đã triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong một số đồ án quan trọng như đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS và lập các bản đồ phân tích phục vụ công tác Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035 tầm nhìn 2050 và các đồ án quy hoạch tỉnh do Viện chủ trì hoặc tham gia.

Bên cạnh đó, Trung tâm khảo sát, quy hoạch xây dựng của VIUP đã và đang tiến hành triển khai xây dựng các thể loại bản đồ 3D phục vụ cho các mục đích nghiên cứu quy hoạch. Công nghệ GIS 3D được áp dụng cho mục đích quy hoạch đô thị để tăng cường phân tích, lập kế hoạch và ra quyết định.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, Viện đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác quy hoạch xây dựng tại Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia giai đoạn 2023-2025” trong đó đã nêu ra 05 nhiệm vụ trọng tâm mà Viện cần phải thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Một là nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa các đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) do Viện triển khai. Hai là ứng dụng rộng rãi hệ thống Thông tin địa lý GIS trong các đồ án quy hoạch quan trọng như các đồ án Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch khu kinh tế, quy hoạch chung các đô thị lớn. Ba là tiếp tục ứng dụng thí điểm Quy trình thông tin công trình BIM cho một số đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị, để làm cơ sở đánh giá hiệu quả và nhân rộng. Bốn là tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ mới để hỗ trợ và làm tăng năng suất, hiệu quả công tác khảo sát đo đạc bản đồ phục vụ quy hoạch xây dựng. Năm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý số trong hoạt động chức năng, quản lý của Viện như công tác quản lý chất lượng, quản lý đấu thầu, quản lý tiến độ công việc, quản lý hành chính, tài chính...

Trong năm 2024, Viện sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo ứng dụng GIS trong quy hoạch xây dựng cho đội ngũ cán bộ, chủ nhiệm, chủ trì, tham gia đồ án của Viện; triển khai ứng dụng GIS cho một số đồ án quy hoạch đô thị quan trọng do Chính phủ phê duyệt và triển khai 01 nhiệm vụ KHCN cấp bộ về Nghiên cứu cơ sở dữ liệu GIS phục vụ công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website