Hội nghị công bố Điều chỉnh QHXD Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Sáng ngày 11/8/2016, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan của 10 tỉnh thành trong vùng Thủ đô Hà Nội.

Thay mặt đơn vị tư vấn lập đồ án là liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) và Viện quy hoạch phát triển đô thị Vùng Ile de France – IAU, Viện trưởng VIUP Ngô Trung Hải báo cáo tóm tắt nội dung Đồ án. Theo đó, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh lân cận là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 05/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Tổng diện tích toàn vùng khoảng trên 24 nghìn km2.

Viện trưởng VIUP Ngô Trung Hải báo cáo tóm tắt nội dung Đồ án

Mục tiêu của quy hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; Đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững. 

Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa - xã hội; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm quốc phòng - an ninh. 

Quang cảnh tại buổi lễ

Quy hoạch này còn làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý Vùng. 

Về định hướng phát triển không gian vùng, đồ án quy hoạch vùng đã xác định mô hình phát triển không gian đa cực kết hợp. Đây là mô hình không gian tạo điều kiện cho các tỉnh và thủ đô HN phát triển mạnh mẽ tùy theo tiềm năng không ảnh hưởng bởi ranh giới hành chính, phát huy toàn bộ tiềm năng từng tỉnh chia sẻ qua hệ thống giao thông hiện đại và cơ chế liên kết vùng.

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh được chọn hình thành tam giác động lực bởi đây là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn Vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng…

Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam sẽ phát huy lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống giao thông hướng biển (hành lang Hà Nội - Phố Nối - Hải Dương - Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý); phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng.

Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là vùng cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô Hà Nội với Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, đơn vị tư vấn đã hoàn thành đồ án đúng với chương trình và kế hoạch đề ra, với quá trình làm việc nghiêm túc, tiếp thu ý kiến đóng góp và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu tại buổi công bố

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất phải thực hiện là kết nối được hệ thống hạ tầng của toàn vùng trong đó có thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh, các hạng mục từ giao thông, cấp thoát nước, điện,  y tế, giáo dục… đã được chỉ rõ trong quyết định.

Một số hình ảnh tại buổi công bố

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website