Toàn cảnh cuộc họp thẩm định.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định do Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia lập theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 28/3/2019. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch giữ nguyên theo Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025, gồm toàn bộ diện tích thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc, 3 xã Đại An, Thành Lợi và Tân Thành của huyện Vụ Bản và 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An thuộc huyện Nam Trực, với tổng diện tích khoảng 188km2.
Theo Báo cáo thuyết minh đồ án, thành phố Nam Định là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Nam Định, là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch của tỉnh Nam Định, có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực đồng bằng sông Hồng của Việt Nam.
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định được phê duyệt năm 2011, tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định đã nhanh chóng triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc để cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch chung, kêu gọi và thu hút đầu tư tham gia thực hiện các dự án. Sau 09 năm thực hiện Quy hoạch chung 2011, đã có nhiều yếu tố thay đổi, cả về cơ chế pháp lý về quy hoạch và phát triển đô thị, các định hướng mới của Trung ương và của tỉnh, các quy hoạch ngành và thực tiễn phát triển của thành phố Nam Định… dẫn đến cần phải xem xét, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng năm 2011 cho phù hợp với bối cảnh mới, tạo điều kiện cho thành phố Nam Định phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Theo đại diện đơn vị tư vấn lập Đồ án, mục tiêu của Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển thành phố Nam Định với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, khai thác có hiệu quả những tiềm năng phát triển của thành phố theo hướng bền vững; xây dựng thành phố Nam Định thành một đô thị văn minh, xanh, thân thiện môi trường, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Với vị trí nằm gần khu vực kinh tế tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và nhiều trung tâm kinh tế, công nghiệp, du lịch lớn khác, có kết nối giao thông thuận tiện, tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng về đường sắt, đường bộ và đường thủy, Nam Định có nhiều điều kiện tham gia vào sự phân công, hợp tác để hòa nhập quá trình phát triển chung của vùng và cả nước. Bên cạnh việc xây dựng các định hướng phát triển của Nam Định dựa trên các thế mạnh tiềm năng về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo, Đồ án quy hoạch chung Nam Định cũng đề ra các chiến lược phát triển đô thị cho thành phố Nam Định, trở thành một thành phố hai bên sông, dễ tiếp cận, sẵn sàng ứng phó biến đổi khí hậu, thành phố lịch sử, thành phố thông minh, thành phố đi bộ, thành phố cải tạo chỉnh trang và thành phố sống tốt. Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định sẽ là thành phố thông minh, đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng, một đô thị có truyền thống lịch sử được bảo tồn, phát huy gắn với các không gian mới, hiện đại, tiện nghi hấp dẫn, thân thiện môi trường.
Theo Kiến trúc sư Vương Anh Dũng – chuyên gia phản biện của Đồ án, đây là một Đồ án được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, số liệu, tài liệu phong phú, đảm bảo tuân thủ các quy trình thủ tục, các căn cứ pháp lý hiện hành về quy hoạch đô thị, phù hợp với Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để hoàn thiện thuyết minh Đồ án, KTS. Vương Anh Dũng đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá hiện trạng một cách tổng thể trên phạm vi quy hoạch, gồm thành phố Nam Định và phần mở rộng, khu vực nông thôn, làng, xã, phân tích những bất cập để đưa ra các giải pháp xử lý trong tương lai; bổ sung các phân tích về tiềm năng phát triển, dự báo các chỉ tiêu kinh tế, luận chứng cho việc phân chia địa bàn quy hoạch thành 08 khu vực phát triển, lập luận thuyết phục các dự báo về dân số, khách du lịch, xây dựng bảng cơ cấu sử dụng đất để đảm bảo thực hiện được các chức năng của đô thị và các mục tiêu phát triển đề ra trong quy hoạch, bổ sung nghiên cứu về giới hạn chiều cao công trình điểm nhấn, quy hoạch không gian ngầm trong đô thị, đề xuất các dự án ưu tiên cùng với nguồn vốn và lộ trình thực hiện có tính động lực và khả thi cao…
TS. Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng - chuyên gia phản biện về hạ tầng kỹ thuật đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung các đánh giá về mức độ đáp ứng của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện nay của thành phố Nam Định đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung cao độ xây dựng, cập nhật vị trí các cơ sở xử lý nước thải, chất thải rắn vào bản đồ…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định – đại diện các Bộ liên quan về cơ bản đồng tình với báo cáo thuyết minh Đồ án, đánh giá đơn vị tư vấn đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của các Bộ, và cập nhật vào thuyết minh Đồ án. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp thêm một số ý kiến.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Tường Văn đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, rà soát, chỉnh sửa Báo cáo thuyết minh Đồ án theo ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và các thành viên của Hội đồng thẩm định. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn lưu ý đơn vị tư vấn, Sở Xây dựng Nam Định cần phối hợp, nghiên cứu kỹ các chỉ tiêu dự báo, rà soát việc sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn quy hoạch, bổ sung đánh giá việc thực hiện quy hoạch chung 2011, kết quả, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, bổ sung các luận chức cho việc phân chia các khu vực phát triển, các chỉ tiêu dự báo về dân số, sử dụng đất…, sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.