Quang canh chung
Mục tiêu của hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia môi trường của thành phố Seoul với thành phố Hà Nội về hoạch định chính sách và hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện dự án; Soạn thảo kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ mục tiêu từ các chuyên gia/cố vấn cho các thành phố dự án, ví dụ: các đường lối cho việc chuyển đổi các chính sách và thực tiễn tốt, công nghệ thích hợp và xây dựng năng lực cho việc kết hợp chiến lược phát triển phát thải thấp trong quy hoạch cấp thành phố; Tiến hành các cuộc đối thoại giữa các cấp chính quyền để sắp xếp theo chiều dọc các lĩnh vực ưu tiên của các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và tìm hiểu làm thế nào để lồng ghép các cam kết và hành động của các thành phố dự án vào các NDC (các đóng góp quốc gia đối với vấn đề BĐKH) tương ứng.
PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường cho biết vấn đề BĐKH trong thời gian gần đây đang trở nên khắc nghiệt và bất thường, hạn hán, ngập lụt, sạt lở, dông bão diễn ra có xu hướng ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và đời sống người dân. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là 1 trong 3 hoặc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tác động BĐKH tùy vào từng tiêu chí. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước về BĐKH, nghị định thư Kyoto. Trong những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và sẵn sàng ứng phó với BĐKH, thể hiện qua các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động BĐKH ở các địa phương. Dự án Cam kết thành phố tham vọng do ICLEI triển khai thực hiện ở Việt Nam từ tháng 7/2017. VIUP và ICLEI đã ký kết thỏa thuận hợp tác, trong đó, VIUP đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện dự án phù hợp với các quy định, chính sách của Việt Nam. Việt Nam chọn Hà Nội - Một trong những đô thị lớn của Đông Nam Á, với tốc độ đô thị hóa cao và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường và các ảnh hưởng của BĐKH và hai đô thị vệ tinh là Sơn Tây và Sóc Sơn (là nơi có chính sách ổn định và kết nối tốt nhất với Hà Nội) tham gia vào dự án. Ông cho rằng, giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay là một việc vô cùng quan trọng, là xu hướng toàn cầu đòi hỏi sự chung tay hành động của tất cả các quốc gia, các đô thị, từng người dân sự phối hợp giữa các cơ quan cấp trung ương và chính quyền địa phương, các bộ ngành. Viện trưởng VIUP hy vọng dự án sẽ đóng góp một phần vào công cuộc ứng phó với BĐKH của thế giới cũng như của Việt Nam.
Ông Ranell Martin Dedicatoria - ban thư ký thế giới ICLEI đã giới thiệu tổng quan dự án này
Tiếp đó ông Ranell Martin Dedicatoria - ban thư ký thế giới ICLEI đã giới thiệu tổng quan dự án này. Theo đó, dự án “Cam kết thành phố tham vọng” do ICLEI tổ chức thực hiện dưới sự tài trợ của BMUB (Bộ Tài nguyên môi trường, xây dựng và an toàn hạt nhân liên bang Đức). Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7/2017- 6/2020. Dự án này thực hiện với mục tiêu kêu gọi các thành phố lớn ở Đông Nam Á (bước đầu là 3 quốc gia: Philippines, Indonesia và Việt Nam) tham gia cam kết về việc “cắt giảm lượng khí thải nhà kính” và hỗ trợ các đô thị này nghiên cứu thành lập các chương trình hành động cụ thể. Đồng thời dự án này cũng mong muốn tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng phó với BĐKH.
Tại Việt Nam, dự án sẽ tổng hợp các dữ liệu về môi trường và các lĩnh vực liên quan của ba đô thị: đặc biệt là tính toán lượng phát thải; Đưa ra mục tiêu giảm phát thải cụ thể cho từng đô thị; Xây dựng các chiến lược phát triển phát thải thấp cho đô thị, nâng cao năng lực hoạt động và kế hoạch hành động để thực hiện “Cam kết thành phố tham vọng”.
Bà Lê Thị Hải - Phó Phòng TNMT huyện Sóc Sơn trình bày tham luận
Tiếp đó, thay mặt sở Tài nguyên môi trường, UBND TP Hà Nội bà Lưu Thị Thanh Chi – Chi cục phó chi cục Bảo vệ môi trường đã trao đổi về mối quan tâm của thành phố với dự án, mong muốn được dự án hỗ trợ cung cấp các chuyên gia (bao gồm chính quyền TP. Seoul) và hỗ trợ xây dựng kiểm kê “Phát thải khí nhà kính” của thành phố và xây dựng kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu phát thải. Cán bộ chuyên trách của thành phố được đào tạo, nâng cao năng lực để xây dựng “Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính”; được tiếp cận các công cụ do ICLEI xây dựng để thiết lập cơ sở dữ liệu, xây dựng kế hoạch hành động. Thành phố Hà Nội đánh giá cao việc tổ chức hội thảo này, là bước khởi động đầu tiên cho các hợp tác tiếp theo với mong muốn nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp cải thiện môi trường hướng tới thành phố thấp carbon và thích ứng với BĐKH vì một mục tiêu chung là xây dựng Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn, xứng tầm là thủ đô của cả nước, khẳng định vị thế của mình đối với các thành phố lớn khác trong khu vực và trên toàn thế giới.
Ảnh lưu niệm
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo được nghe chuyên gia Hàn Quốc Yoojin Cho chia sẻ kinh nghiệm đạt được của dự án Cam kết của Seoul cùng với người dân, bà Lê Thanh Thủy – Chi cục bảo vệ môi trường trình bày tham luận Thành phố Hà Nội ứng phó với BĐKH, đại diện huyện Sóc Sơn, Sơn Tây trình bày về hành động ứng phó với BĐKH tại địa phương và sự tham gia của cộng đồng, ông Quách Tất Quang – Bộ Tài nguyên môi trường trình bày về thực trạng BĐKH tại Việt Nam.
Tại hội thảo, đại biểu được giới thiệu tổng quan về đối thoại Talanoa và cách thức thực hiện.
Trong phần đối thoại mở, các chuyên gia Hàn Quốc đã trao đổi kinh nghiệm cho 3 vấn đề ưu tiên của Hà Nội về chất lượng không khí, giao thông và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng. Nhiều vấn đề liên quan khác đã được 2 bên trao đổi sôi nổi.