Hội thảo Huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội

Ngày 13/8, tại khách sạn Fortuna, với mong muốn cùng thành phố Hà Nội huy động và chia sẻ các giải pháp và sáng kiến xanh cho mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&learn) và tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) tổ chức hội thảo “Huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội – Từ câu chuyện của Seoul đến các sáng kiến địa phương”.

Quang cảnh chung

Tham dự hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và đại diện của các đại sứ quán, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội. Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường cũng tham dự hội thảo này.

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của các dự án “Cam kết TP tham vọng” và “Không khí sạch, TP xanh”, hội thảo tập trung vào những nội dung chính: Đánh giá bức tranh chung về thành phố và các đại biểu, các chuyên gia nước ngoài nêu sáng kiến địa phương tập trung chia sẻ các kinh nghiệm và giải pháp quốc tế và địa phương trong các lĩnh vực ưu tiên như cải thiện chất lượng không khí; sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững; quy hoạch đô thị xây dựng; quy hoạch đô thị-giao thông; quản lý chất thải...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của các dự án "Cam kết thành phố tham vọng" và "Không khí sạch, thành phố xanh" nhằm chia sẻ dự án, sáng kiến đang được triển khai tại Seoul-Hàn Quốc, Hà Nội và các địa phương khác. Đồng thời, tạo điều kiện cho các bên tham gia, bao gồm người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chia sẻ các giải pháp và sáng kiến xanh, thiết thực cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia  (VIUP) PGS.TS Lưu Đức Cường cho rằng thời gian gần đây, Hà Nội đã có những bước đi cụ thể nhằm xây dựng các hành động ngắn hạn và dài hạn để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia vào Dự án "Cam kết thành phố tham vọng" từ tháng 10/2017.

Dự án này thực hiện với mục tiêu kêu gọi các thành phố lớn ở Đông Nam Á (bước đầu là 3 quốc gia gồm Philippines, Indonesia và Việt Nam) tham gia cam kết về việc "cắt giảm lượng khí thải nhà kính" và hỗ trợ các đô thị này nghiên cứu thành lập các chương trình hành động cụ thể. Dự án này hướng tới một môi trường trong lành và khỏe mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó bao gồm mục tiêu tăng cường hành động và thúc đẩy sáng kiến và giải pháp không khí sạch, thành phố xanh. Đồng thời, Dự án mong muốn tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội thảo được nghe Giáo sư Youngsoo Chol (Chuyên gia quốc tế , Nhóm tư vấn dự án toàn cầu của ACP) chia sẻ về những chính sách môi trường trọng điểm thành phố Seoul (Hàn Quốc), nhất là quan tâm đến việc cải thiện chất lượng không khí, tiết kiệm năng lượng, trước hết hướng tới các cơ quan hành chính nhà nước, sau lan tỏa tới cộng đồng, vận động người dân tham gia và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Ông cho biết, ở Seoul để đối phó với Biến đổi khí hậu, ban đầu cũng không đơn giản. Đó là cả một quá trình bền bỉ và phải có những cơ chế, chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia hội thảo cùng thảo luận nhóm để đưa ra các giải pháp và sáng kiến xanh góp phần cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án "Cam kết thành phố tham vọng" do ICLEI tổ chức thực hiện dưới sự tài trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân liên bang Đức (BMU). Dự án này thực hiện với mục tiêu kêu gọi các thành phố lớn ở Đông Nam Á (bước đầu là 3 quốc gia: Philippines, Indonesia và Việt Nam) tham gia cam kết về việc “cắt giảm lượng khí thải nhà kính” và hỗ trợ các đô thị này nghiên cứu thành lập các chương trình hành động cụ thể. Đồng thời dự án này cũng mong muốn tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng phó với BĐKH trong tương lai.

Tại Việt Nam, Dự án được thực hiện ở TP. Hà Nội và  2 đô thị vệ tinh là Sơn Tây, Sóc Sơn từ năm 2017 - 2020. Sở TN&MT được giao là cơ quan đầu mối của TP phối hợp với Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) - cơ quan điều phối thực hiện Dự án. Dự án sẽ tập trung tính toán lượng phát thải; đưa ra mục tiêu giảm phát thải cụ thể cho từng đô thị; xây dựng các chiến lược phát triển phát thải thấp, nâng cao năng lực để thực hiện Cam kết TP tham vọng.

(Nguồn:VIUP.VN)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website