Là tỉnh có biển, có rừng, tài nguyên phong phú, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, nên Quảng Nam đã tận dụng thế mạnh để phát triển. Trong đó, nổi bật là đã hình thành một số đô thị có bản sắc riêng như Hội An với thương hiệu đô thị cổ - đô thị sinh thái và văn hóa, là Chu Lai - Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước, đô thị Tam Kỳ - thủ phủ xanh. Lợi thế của tỉnh là các quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành được duyệt và tìm được “tiếng nói chung”. Bước đầu đã đầu tư các khu chức năng đặc thù, không gian kinh tế; mặt khác những “mắt xích” liên kết đô thị với nông thôn đã được chú trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, Quảng Nam đang đứng trước nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; quy mô đô thị còn nhỏ lẻ, chủ yếu là trung tâm hành chính - chính trị cấp huyện; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư rất hạn chế; vai trò động lực, dẫn dắt, lan tỏa của đô thị trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế chưa cao… Đây thực sự là rào cản để Quảng Nam bứt phá, tạo nên những cú huých để phát triển.
Tham gia hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế lẫn kiến trúc, xây dựng đã thẳng thắn nhìn nhận, hạn chế lớn hiện nay của Quảng Nam. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng đã đưa ra đề xuất nhằm giải quyết cho những tồn tại cơ bản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) Lưu Đức Cường có tham luận về “Những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu ở Quảng Nam và Miền Trung Việt Nam”, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm trình bày tham luận “Quy hoạch thành phố Tam Kỳ với vai trò là đô thị trung tâm tỉnh và liên kết vùng trong quá trình hội nhập”.
Phó viện trưởng Lưu Đức Cường và Phạm Thị Nhâm phát biểu tại hội thảo
Tổng kết hội thảo, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, KTS trong nước và quốc tế cho sự phát triển bền vững của Quảng Nam tại Hội thảo. KTS Trần Ngọc Chính hy vọng, với lợi thế về vị trí địa lý, có khu kinh tế mở Chu Lai, có sân bay Chu Lai là cảng hàng không quốc tế trong tương lai của Quảng Nam và cả vùng trọng điểm miền Trung… cùng nhiều di sản, di tích văn hóa có giá trị và truyền thống cách mạng kiên cường, Quảng Nam sẽ phát triển bền vững, trở thành động lực quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước trong những năm tới.
Trước đó, ngày 30/9 tại Quảng Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch mở rộng (lần thứ 5 khóa IV).
Hội nghị được tổ chức với nội dung báo cáo sơ kết công việc của Hội và các Hội thành viên 9 tháng đầu năm 2016 và bàn triển khai các nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016.
Hội nghị đã thu được nhiều đóng góp ý kiến lần cuối đối với Đề án “Giải thưởng Quy hoạch Quốc gia” do đồng chí Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) soạn thảo.
Trước thời gian diễn ra Hội nghị, đoàn đại biểu của Hội đã đến dâng hương và thăm quan tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng; đồng thời đi khảo sát thực địa tuyến hành lang biển: Tam Ky - Cửa Đại - Hội An - Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc - Làng Bích Họa.