Quang cảnh chung
Tham dự hội thảo là các chuyên gia từ bộ Xây dựng, bộ Tài nguyên môi trường, Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trường ĐH Kiến trúc, ĐH Đông Đô, Viện Quy hoạch Hà Nội, cùng nhiều chuyên gia của VIUP. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án phối hợp giữa các chuyên gia Canada và Việt Nam thực hiện dưới sự tài trợ của quỹ Rockerfeller, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA).
Q. Viện trưởng Lưu Đức Cường phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Q. Viện trưởng Lưu Đức Cường cho biết những năm vừa qua các đô thị, các điểm dân cư trên thế giới đang phải đương đầu với đô thị hóa mất kiểm soát, ô nhiễm, ùn tắc, ngập lụt, sụt lún mặt đất, xâm nhập mặn, các hiện tượng thời tiết cực đoan... Tác động này có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Đây là thách thức mà công tác thiết kế cấp độ đô thị, cấp độ công trình sẽ phải giải quyết vấn đề này. Chính thách thức này góp phần định hình công tác thiết kế, từ đó xác định hình thái đô thị. Kinh nghiệm quốc tế trong những năm vừa qua cho thấy kiến trúc lưỡng cư là một trong những giải pháp ứng phó với tác động của ngập lụt. Việt Nam là 1 trong 3- 5 nước chịu tác động lớn của BĐKH tùy theo tiêu chí. Trong những tác động đó, ngập lụt là tác động nghiêm trọng nhất. Ngập lụt tại các đô thị Việt Nam những năm qua ngày càng gia tăng đặc biệt là ở các đô thị ven biển. Tiếp đó, ông trình bày sơ lược về Chương trình hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2014-2020 của Bộ Xây dựng trong đó tập trung vào đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH. Chương trình cũng nhấn mạnh 1 trong những công việc cần thực hiện là công tác tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu thiết kế quy hoạch kiến trúc và công nghệ xây dựng. Nhân dịp này ông cũng giới thiệu các đề tài, dự án mà VIUP chủ trì thực hiện hoặc hợp tác với các tổ chức quốc tế đã và đang thực hiện trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, GS.TS. Elizabeth C. English đã giới thiệu tổng quan kinh nghiệm thế giới về kiến trúc lưỡng cư và khả năng ứng dụng vào Việt Nam. Trong đó bà đưa ra định nghĩa về kiến trúc lưỡng cư. Tiếp đó, bà đưa ra kinh nghiệm áp dụng nhà lưỡng cư tại Lousianna (Mỹ), Maasbommel (Hà Lan), Bangladesh, Jamaica, Nicaragoa… Bà cho biết dự án này do nhóm chuyên gia Canada do bà làm trưởng nhóm và nhóm chuyên gia Việt Nam do PGS.TS Lưu Đức Cường làm trưởng nhóm đề xuất thực hiện. Dự án gồm 3 giai đoạn kéo dài 18 tháng. Giai đoạn 1, dự án chọn cải tạo thí điểm 1 ngôi nhà hiện có tại tỉnh Long An và xây dựng 1 mô hình nhà lưỡng cư mới tỉnh An Giang. Đây là những tỉnh hàng năm đều bị ngập lụt để có số liệu theo dõi, đánh giá hiệu quả của mô hình này.
GS.TS. Elizabeth C. English trình bày tham luận
Giai đoạn 2 sẽ xây từ 4-6 nhà mẫu ở 2 tỉnh. Trong giai đoạn 1 và 2, dự án mới chỉ được cấp một số vốn ban đầu, nếu dự án có kết quả, người dân hài lòng với những ngôi nhà này, chứng tỏ mô hình này thành công thì dự án sẽ được cấp tiếp vốn để nhân rộng mô hình. Trong 2 giai đoạn này, các chuyên gia sẽ làm việc trực tiếp với người dân địa phương để họ biết cách làm và hiểu nguyên lý xây dựng để sau khi dự án kết thúc những người này có thể tự làm được những ngôi nhà như thế.
TS. Đào Ngọc Nghiêm trao đổi tại hội thảo
PGS.TS Lưu Đức Hải phát biểu tại hội thảo
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đóng góp ý kiến
Giai đoạn 3 là giai đoạn nhân rộng. Nếu thành công, mô hình đó sẽ được sử dụng để nhân rộng ở các tỉnh khác tại Việt Nam và mở rộng ở các nước khác như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippin… những nước cũng chịu ngập lụt như Việt Nam. Bà đã trình bày chi tiết về việc cải tạo thành nhà lưỡng cư cũng như xây nhà mẫu tại tỉnh Long An và An Giang, cách thức xây dựng cũng như vật liệu sử dụng làm phao nổi, chi phí cho từng loại hình… Bài trình bày của bà đã nhận được đánh giá cao của các đại biểu tham dự và nhận được tranh luận sôi nổi.
Ảnh lưu niệm
Kết thúc hội thảo, Q. Viện trưởng cho rằng dự án này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi hướng tới những cộng đồng nghèo ở các tỉnh nghèo tại Việt Nam. Cách tiếp cận của dự án mới từ dưới lên là hỗ trợ để người dân nắm được cách làm sau này có thể tự làm nhưng cần kết hợp cả cách tiếp cận từ trên xuống thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước. Đây mới chỉ là giải pháp mang tính công trình và cần nâng tầm về quy hoạch để thu được hiệu quả hơn cũng như cần nghiên cứu sâu hơn cho các vùng miền khác và với các đặc tính khác.