Hội thảo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy trong hệ thống giao thông đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long”

Hội thảo nói trên được VIUP tổ chức ngày 14/9. Đây là hội thảo trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy trong hệ thống giao thông đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long”, mã số RD19-19 do ThS.KTS Cao Sĩ Niêm làm chủ trì.

Quang cảnh chung

Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch dài hơn 28.500 km, trong đó khoảng 15.000km thuận lợi cho giao thông đường thủy nội địa. Tuy vậy, giao thông đường thủy tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy trong hệ thống giao thông đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long” đã có những kết quả ban đầu đưa ra giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông thủy trong hệ thống giao thông đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo nhằm thu thập ý kiến chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này để có thể đề xuất các giải pháp cụ thể, có khả năng áp dụng vào thực tế một cách có hiệu quả, hài hòa giữa mạng lưới giao thông thủy với các hệ thống giao thông khác, phát huy được thế mạnh hệ thống sông rạch dày đặc của vùng, tạo dựng không gian đô thị mang bản chất vùng sông nước, đảm bảo môi trường phát triển bền vững.

Tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài Cao Sĩ Niêm đã trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu của đề tài. Theo đó, ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài có 3 chương gồm:

Chương 1: Thực trạng mạng lưới giao thông đường thủy trong hệ thống giao thông đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long

Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn đối với quy hoạch mạng lưới hệ thống giao thông đường thủy trong hệ thống giao thông đô thị

Chương 3: Đề xuất các giải pháp quy hoạch mạng lưới hệ thống giao thông đường thủy trong hệ thống giao thông đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long

Nhóm đã đề xuất các giải pháp theo 8 nhóm

  • Giải pháp về quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy gắn với hệ thống giao thông đô thị
  • Giải pháp về kết hợp mạng lưới giao thông đường thủy với không gian cảnh quan đô thị
  • Giải pháp về kết hợp mạng lưới giao thông đường thủy với các khu chức năng đô thị
  • Giải pháp về kết hợp mạng lưới giao thông đường thủy với thoát nước và bảo vệ nguồn nước đô thị
  • Giải pháp về bảo tồn đa dạng sinh học
  • Giải pháp về nạo vét lòng sông, phân luồng rạch giao thông đường thủy
  • Giải pháp về tổ chức các phương tiện giao thông đường thủy trong đô thị
  • Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển giao thông đường thủy phục vụ hoạt động đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long.

Trong bài tham luận Tổng quan về giao thông vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long, KS. Nguyễn Thị Vuốt (nguyên Trưởng phòng Dự báo và kinh tế vận tải - Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải) đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển giao thông vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long như cần coi trọng công tác quy hoạch và cập nhật để tiếp cận thực tế; Xác định rõ tiêu chí ưu tiên đầu tư trong giai đoạn ngắn hạn (5 năm); Phần vốn từ ngân sách Nhà nước ngành vận tải thủy cần được tăng lên 2-3 lần so với hiện tại; Cần đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả của vận tải thủy từ đó thu phí để đầu tư trở lại.

Bàn về triển vọng hồi sinh hệ thống giao thông đường sông trong bối cảnh phát triển vùng đô thị, TS.KTS Nguyễn Trung Dũng (Giám đốc Trung tâm thông tin, đào tạo và HTQT) cho rằng bên cạnh những hạn chế không thể khắc phục của giao thông đường bộ như ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, tai nạn giao thông... và xu thế phát triển các vùng đô thị lớn thì ưu thế của giao thông thủy một lần nữa lại được nghĩ tới như một giải pháp khắc phục những hạn chế của hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ. Theo ông có thể áp dụng một số giải pháp khai thác như lựa chọn các loại hình phục vụ phù hợp với giao thông thủy; Kết nối hệ thống giao thông thủy với hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng; Sử dụng hỗn hợp giao thông thủy với các loại hình phương tiện giao thông khác để tận dụng và hạn chế các ưu nhược điểm của nhau.

Trong hội thảo, ThS.KS Nguyễn Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm QHXD 4) trình bày tham luận Giao thông đường thủy Việt Nam, thực trạng và giải pháp. Ông khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường sử dụng hệ thống đường thủy nội địa vì đây là một lợi thế đặc biệt; Ngoài kế hoạch hỗ trợ vốn của Nhà nước, cần huy động vốn của khối tư nhân cả cả trong và ngoài nước; Để đạt được mục tiêu đường thủy nội địa chiếm 32% thị phần vận tải hàng hóa vào năm 2020, đòi hỏi có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và tiếp tục hiện đại hóa...

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ các quan điểm, giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của hệ thống giao thông đường thủy trong hệ thống giao thông đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long.

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website