Quang cảnh chung
Tham dự hội thảo có Phó Viện trưởng VIUP Phạm Thị Nhâm, các nhà quản lý từ các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, các chuyên gia đến từ các hiệp hội, các trường đại học, cùng nhiều chuyên gia thuộc VIUP...
PVT Phạm Thị Nhâm phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm cảm ơn chuyên gia, nhà khoa học đến tham gia hội thảo nhằm đóng góp ý cho đề tài. Đề tài cấp quốc gia "Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam" mã số 24/15-ĐTĐL.CN-CNN được VIUP thực hiện từ 2016 đến nay và đã tổ chức 6 hội thảo chuyên đề liên quan tới quy trình, nội dung chủ yếu của phương pháp đổi mới công tác lập QH, sản phẩm... 6 hội thảo cơ bản được các chuyên gia, nhà khoa học được chgia đánh giá cao về chất lượng, nội dung đề tài đáp ứng tính thực tiễn cao, phù hợp xu thế phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nghiên cứu của đề tài được đánh giá mang tính khoa học, có lập luận lôgic, đã đề xuất công cụ hỗ trợ công tác đổi mới lập QH. Nghiên cứu của đề tài thông qua 6 hội thảo đã thể hiện tính mới trong công tác lập quy hoạch hiện nay tiếp cận theo xu hướng từ đơn ngành sang đa ngành để phù hợp với xu thế hiện nay của quốc tế. Bà hy vọng trong hội thảo lần thứ 7 này, nhóm nghiên cứu sẽ thu thập ý kiến quý báu của chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề tài.
TS. Ngô Trung Hải đã trình bày khái quát về phương pháp và quy trình đổi mới có tác động đến các văn bản pháp quy
Tại hội thảo, Chủ nhiệm đề tài TS. Ngô Trung Hải đã trình bày khái quát về phương pháp và quy trình đổi mới có tác động đến các văn bản pháp quy. Theo ông, qua quá trình nghiên cứu các mô hình quy hoạch trên thế giới có thể thấy rằng trên thế giới có nhiều loại hình quy hoạch khác nhau. Tuy nhiên, không có một phương pháp quy hoạch nào duy nhất đúng để có thể áp dụng cho một loạt các quốc gia nhưng chúng cũng có những cái chung nhất và nhóm nghiên cứu đã rút ra những nét chung nhất để đưa đến cách tiếp cận hướng tới mô hình quy hoạch phù hợp với quy luật phát triển đô thị của Việt Nam. Đặc biệt, có 2 điểm nhóm nghiên cứu muốn nhấn mạnh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đơn giản các bước, rút ngắn thời gian lập quy hoạch, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và tính hiệu quả nhằm quản lý quy hoạch tốt đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị thật nhanh.
TS. Lưu Đức Hải giới thiệu quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị đổi mới
Trình bày tại hội thảo, TS. Lưu Đức Hải giới thiệu quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị đổi mới liên quan đến sửa đổi các văn bản pháp quy. Theo ông, đề tài Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam đã nghiên cứu và đánh giá những tồn tại và bất cập của quy trình, nội dung và sản phẩm của các đồ án quy hoạch đô thị thực hiện theo văn bản pháp quy hiện hành. Đề tài đã đề xuất đổi mới đồng bộ, thống nhất từ quy trình, nội dung nghiên cứu đến sản phẩm. Đề tài đã xác định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của từng loại hình quy hoạch, trong đó QHC sẽ quy định những nội dung khung và các công trình trọng yếu, quy hoạch cấp dự án (TKĐT) sẽ làm rõ các chỉ tiêu chi tiết của khung hạ tầng đô thị. Như vậy việc đổi mới toàn diện công tác lập QHĐT, theo kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ liên quan đến rất nhiều những quy định trong các văn bản pháp quy về quy hoạch và phát triển đô thị hiện hành. Tham luận sẽ tập trung vào hai nội dung chính:
- Các nội dung đề tài đề xuất bổ sung mới cần xem xét, sửa đổi trong các văn bản pháp quy liên quan
- Những nội dung đổi mới của hai loại hình QHĐT mới cần sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp luật.
Ngoài ra, ông cho rằng lộ trình sửa đổi VBPQ phải phù hợp với lộ trình sửa đổi quy trình lập QHĐT đổi mới và đề xuất các đề tài NCKH cần nghiên cứu tiếp phù hợp với quy trình lập quy hoạch đổi mới và sửa đổi VBPQ.
Tiếp đó, các đại biểu góp ý tập trung vào việc điều chỉnh các văn bản pháp quy gắn với thời gian lập quy hoạch, thẩm quyền phê duyệt, cũng như bổ sung rà soát thêm một số văn bản pháp quy có liên quan...
Chủ nhiệm đề tài TS. Ngô Trung Hải hoan nghênh các chuyên gia, các nhà quản lý đã góp ý tại hội thảo và nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện nội dung của đề tài.