Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) là thành viên trong Liên danh tư vấn gồm 10 đơn vị tham gia lập Quy hoạch. Bà Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng phụ trách VIUP tham dự hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Theo nội dung dự thảo Quy hoạch được trình bày tại Hội thảo, thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ kinh tế - xã hội phát triển cao nhất cả nước, là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quy mô dân số, lao động, đất đai và hệ thống đô thị lớn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển đô thị hướng tới một siêu thành phố bền vững trong tương lai. Kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội đã và đang được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, quốc phòng, an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững; công tác xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến khá tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự tập trung quá tải, đầu vào sản xuất tăng cao dẫn đến năng lực cạnh tranh của thành phố bị suy giảm. Mô hình tăng trưởng, cơ cấu và cấu trúc các ngành kinh tế còn nhiều bất cập; sự chuyển đổi chưa bắt kịp với các xu hướng, thời cơ phát triển mới của thời đại. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển. Kết cấu hạ tầng quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển của Thành phố. Liên kết vùng chưa hiệu quả, chưa phát huy được vị thế, vai trò động lực, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế chung của vùng và cả nước. Trình độ lao động ở mặt bằng chung còn thấp; nhóm có thu nhập bình quân cao chỉ chiếm 5%. Tỷ lệ lao động phi chính thức còn cao.
Bà Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng phụ trách VIUP tham dự hội thảo
Dự thảo quy hoạch đã chỉ ra các điểm nghẽn như một số hạn chế, khuyết điểm, dự án chưa được giải quyết dứt điểm; Thể chế cho một thành phố đặc biệt và toàn cầu; Quản trị đô thị và sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của một số bộ ngành Trung ương; Kết cấu hạ tầng; Mô hình tăng trưởng; Liên kết vùng.
Tham gia góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo quy hoạch, đồng thời tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của hồ sơ quy hoạch như quan điểm; kịch bản và lựa chọn phương án phát triển Thành phố; Các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn thành phố; Phương hướng phát triển các ngành quan trọng;...; Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung, các quy hoạch cấp dưới; kế hoạch thực hiện quy hoạch; xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư và triển khai các dự án của thành phố theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cảm ơn các ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng như của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành; Đồng thời ông cho biết trên cơ sở các ý kiến góp ý, thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo quy hoạch để đóng góp cho sự phát triển, trở thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước; trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến góp ý sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, tình cảm đối với thành phố Hồ Chí Minh. Để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền theo quy định, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, hoàn thiện, trong đó cần đánh giá cụ thể hơn, rõ hơn nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế dẫn đến các điểm nghẽn, nút thắt; từ đó xác định vai trò, sứ mệnh của Thành phố trong vùng, cả nước, khu vực và quốc tế; xác định các trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên phát triển và có giải pháp phù hợp; phải có các giải pháp đột phá để giải quyết ba vấn đề: ùn tắc giao thông, ô nhiễm và ngập úng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, với tư duy, cách tiếp cận, tầm nhìn mới, mang tính đột phá, phù hợp với các chủ trương đã được ban hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố, phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới, quy hoạch sẽ góp phần quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Trong đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, VIUP đảm nhiệm một số công việc như thu thập và xử lý tài liệu, số liệu; Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển thành phố; Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn thành phố; Lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế xã hội; Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Xây dựng danh mục dự án của thành phố và thứ tự ưu tiên thực hiện; Xây dựng hệ thống bản đồ.
Ngoài ra VIUP còn phụ trách các hợp phần: Nghiên cứu phương án phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố; phương án xử lý chất thải rắn; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; phương án phát triển nhà ở đô thị cho người dân thành phố Hồ Chí Minh; phương án phát triển kết cấu hạ tầng hệ thống chiếu sáng đô thị; phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội theo lãnh thổ, điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố; xây dựng phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và vùng.
Việc VIUP tham gia lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 bảo đảm tính đồng bộ của hai quy hoạch lớn và quan trọng hàng đầu của thành phố.
Song song với việc tham gia lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đang tham gia liên danh 7 đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều nội dung quan trọng. Đồ án này đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua ngày 23/2/2024. Bên cạnh đó, VIUP cũng là đơn vị tư vấn chính triển khai lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.