Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng đơn vị tư vấn không nên mở rộng phạm vi nghiên cứu đồ án.
Thực hiện đúng phạm vi nghiên cứu
Nhiệm vụ QHC xây dựng KDL quốc gia Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 3/5/2017. KDL quốc gia Mộc Châu nằm kề QL6, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, có tổng diện tích 2.000ha, gồm 2 huyện Mộc Châu 1.300ha và Vân Hồ 700ha.
Đây là khu vực cao nguyên đá vôi, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với khí hậu mát mẻ quanh năm, văn hóa các dân tộc đa dạng, sản vật độc đáo và nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, hệ thống các đồi chè trải dài, nhiều di tích lịch sử văn hóa.
Đại diện đơn vị tư vấn VIUP báo cáo thực hiện Đồ án QHC xây dựng KDL Mộc Châu.
QHC xây dựng KDL quốc gia Mộc Châu đến năm 2030 nhằm phát triển KDL quốc gia Mộc Châu thành một trong những động lực phát triển du lịch vùng miền núi phía Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La.
Tại cuộc họp, VIUP đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến một số nội dung liên quan đến các vấn đề về dự báo, mở rộng phạm vi nghiên cứu từ 2.000ha lên 4.000ha, cũng như chiến lược và giải pháp quy hoạch…
Trước đề xuất trên, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị VIUP nên thực hiện đúng phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch theo nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KDL quốc gia Mộc Châu đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Vấn đề điều chỉnh con số dự báo dân số từ 3,5 triệu người lên 5 triệu người cũng phải dựa trên con số khoa học, nguồn tin chính thống.
Thứ trưởng cũng đề nghị VIUP khẩn trương hoàn thiện Đồ án trên cơ sở góp ý của lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng để sớm tổ chức họp Hội đồng thẩm định cho Đồ án.
Làm rõ tính pháp lý
Góp ý hoàn thiện Đồ án, ông Hồ Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc khuyến nghị đơn vị tư vấn làm rõ một số nội dung về tính pháp lý, động lực, nguồn lực tài chính liên quan đến việc phát triển hệ thống các khu đô thị trong KDL. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng cần đề xuất biện pháp ứng xử với thiên tai như lũ lụt, sạt lở khi hình thành các khu đô thị, khu chức năng.
Ông Hồ Chí Quang nhấn mạnh: Không nên phát triển sân golf trong khu vực đất rừng và khu đô thị, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng hiệu quả cũng như tác động của việc hình thành các khu đô thị trong KDL trọng điểm quốc gia Mộc Châu, tránh phá vỡ quy hoạch.
Ông Tạ Quang Vinh - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho rằng: Đơn vị tư vấn cần làm rõ thực trạng hệ thống giao thông kết nối, định hướng không gian, định hướng mở rộng, xác định mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại, vị trí quy mô các công trình đầu mối giao thông với bãi đỗ xe, bến xe…
Với địa hình tương đối phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao và độ dốc rất lớn, trong định hướng giải pháp về cao độ nền, cần làm rõ phân loại lưu vực tiêu thoát nước chính, xác định hiện trạng và xác định cốt xây dựng cho toàn khu vực và từng phân khu chức năng; xác định vị trí, quy mô các cơ sở xử lý chất thải rắn, nghĩa trang…
Ông Tạ Quang Vinh cũng lưu ý đơn vị tư vấn về vấn đề cấp nước sạch khi Chính phủ đã có chỉ đạo hạn chế sử dụng nước ngầm tiến tới không sử dụng nước ngầm, trong khi đó tại địa bàn Mộc Châu hiện nay có đến 80% nguồn nước được cung cấp từ nước ngầm.
Còn theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, có 2 nội dung cần xem xét bổ sung và làm rõ hơn. Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch 2 vùng huyện Mộc Châu và Vân Hồ làm tiền đề cho KDL, phải bổ sung nhiều nội dung, thậm chí phải chuẩn bị cho một quy hoạch liên huyện nhằm làm rõ các đầu bài có liên quan đến sự phát triển của KDL trên địa bàn 2 huyện. Trên cơ sở đó làm rõ trên từng phạm vi, chức năng quản lý của 02 huyện, từ đó đề xuất biện pháp phù hợp.
Thứ hai, đối với khu vực chức năng chính, KDL trọng điểm quốc gia Mộc trong đó có 03 KDL và 01 khu dân cư, từng chức năng du lịch đã được xác định tên. Theo đó, khu dân cư chủ yếu phục vụ cho các vấn đề về phát triển du lịch, các hoạt động sản xuất kinh tế trên địa bàn. Vì vậy, mô hình KDL, khu dân cư cũng phải xem xét nghiên cứu kỹ là hiện đại hay truyền thống? Cần làm rõ nội dung này trên cơ sở đây là nông trường sữa, đối tượng là công nhân, không phải là nông dân.