Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Đình Hà).
Dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Trung ương, các hội, hiệp hội chuyên ngành...
Tại Hội nghị, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), đơn vị tư vấn đã trình bày tóm tắt Báo cáo thuyết minh Đồ án. Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 20/2014/QĐ-CP ngày 11/3/2014, trên cơ sở sáp nhập 3 Khu kinh tế cửa khẩu: Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang.
Đây là vùng đất có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển thành một vùng kinh tế động lực của vùng Đông Bắc. Do đó, việc lập quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là rất cần thiết, nhằm đáp ứng những yêu cầu về quản lý xây dựng khai thác quỹ đất, tạo được sự đồng bộ, thống nhất về không gian phát triển, đảm bảo các định hướng lâu dài và tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng.
Phạm vi lập quy hoạch gồm các khu vực tập trung phát triển xây dựng tại các khu cửa khẩu, lối mở và phần diện tích chạy dọc theo đường biên giới với Trung Quốc, trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng theo Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg, bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn biên giới, với quy mô khoảng 30.130 ha.
Theo báo cáo thuyết minh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được quy hoạch với tính chất là một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; là Khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, đa lĩnh vực, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Cao Bằng và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm kinh tế về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và có khả năng gắn kết được với các địa phương khác để tạo thành tuyến dịch vụ thương mại - du lịch động lực của toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc; là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được phát triển trên cơ sở 04 phân vùng. Mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính, là những cực phát triển của phân vùng.
Cụ thể, vùng 1 (Vùng Khu kinh tế cửa khẩu phía Tây Bắc) có diện tích 4.018ha, trung tâm là khu cửa khẩu Sóc Giang, bao gồm 03 khu vực phát triển chính: Khu cửa khẩu Sóc Giang, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó và Khu vực lối mở Nà Quân thuộc xã Cần Yên, huyện Hà Quảng.
Vùng 2 (Vùng Khu kinh tế cửa khẩu phía Bắc) có diện tích 8.134ha, trung tâm là khu cửa khẩu Trà Lĩnh, gồm 04 khu vực phát triển chính: Khu cửa khẩu Trà Lĩnh và lối mở Nà Đoỏng, khu cửa khẩu Pò Peo, khu vực lối mở Đình Phong và Khu thác Bản Giốc.
Vùng 3 (Vùng Khu kinh tế cửa khẩu phía Đông Bắc) có diện tích 3.346ha, trung tâm là khu cửa khẩu Lý Vạn, gồm 02 khu vực phát triển chính: Khu vực cửa khẩu Lý Vạn và lối mở Bản Khoòng, Khu vực cửa khẩu Hạ Lang.
Vùng 4 (Vùng Khu kinh tế cửa khẩu phía Đông) có diện tích 14.632ha, trung tâm là cửa khẩu Tà Lùng - đô thị Phục Hòa, gồm 02 khu vực phát triển chính là đô thị Phục Hòa, trung tâm đô thị, khu kinh tế hạt nhân khu vực phía Đông của tỉnh, gắn với cửa khẩu Tà Lùng và khu vực lối mở Nà Lạn.
Đồ án định hướng phát triển không gian hệ thống cửa khẩu, lối mở; hệ thống trung tâm; các khu chế xuất, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho bãi và dịch vụ logictic; các khu vực phát triển du lịch; các khu vực phát triển dân cư; các khu vực phát triển vùng nông - lâm nghiệp…
Đồ án đồng thời định hướng quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội; định hướng kiểm soát kiến trúc cảnh quan; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch giao thông; quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật; quy hoạch cấp điện và thông tin liên lạc; quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang...
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp ý kiến cho đồ án về căn cứ pháp lý; phạm vi, ranh giới, quy mô lập quy hoạch; hiện trạng sử dụng đất (đất rừng); dự báo về du lịch, dân số; quốc phòng an ninh; môi trường… Hội đồng cơ bản thống nhất với các nội dung, định hướng được đề cập trong Đồ án.
Thay mặt tỉnh Cao Bằng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và cho biết: Mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ, thương mại cửa khẩu và giao lưu quốc tế hoạt động sôi động và hiệu quả; vùng du lịch đặc sắc, hấp dẫn với các giá trị của hệ sinh thái tự nhiên, lịch sử và văn hóa được bảo tồn và phát huy; nông nghiệp nông thôn xanh, sạch, nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao.
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng sẽ là một khu vực phát triển bền vững, điểm đột phá về kinh tế và có sức lan tỏa phát triển trong tỉnh Cao Bằng và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội, lịch sử... để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung.
Sau khi tổng hợp những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát, bổ sung các căn cứ pháp lý liên quan làm căn cứ lập Đồ án; rà soát phạm vi ranh giới lập quy hoạch đảm bảo phù hợp với Quyết định của Thủ tướng về thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng và phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng đồng thời đề nghị rà soát đánh giá tiềm năng về vị trí địa lý, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử, giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Cao Bằng và làm rõ hơn những yếu tố đặc trưng của Khu kinh tế; rà soát, đánh giá kỹ hơn hiện trạng sử dụng đất, nhất là đất rừng, các khu đặc biệt, các dự án đang triển khai để để có định hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới.
Rà soát các dự báo về dân số, du lịch, phát triển kinh tế; làm rõ hơn tính chất, quy mô các khu chức năng, đảm bảo các vấn đề về môi trường, xử lý rác thải, nước thải, cấp nước sinh hoạt và lưu ý các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, sạt lở đất…
Đặc biệt, phải chú trọng đảm bảo an ninh quốc phòng đối với Khu kinh tế Cao Bằng nói chung,đặc biệt là các khu vực biên giới nói riêng; Chú ý hệ thống giao thông kết nối Khu kinh tế cửa khẩu với thành phố Cao Bằng, đảm bảo các nguồn lực phát triển Khu kinh tế cửa khẩu...
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Cao Bằng tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Đồ án, dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.