Ngài Joerg Rueger-Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Sáng 27/9, Bộ Công thương, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và công ty Siemens đồng tổ chức hội thảo "Các Thành phố thông minh" nằm trong chuỗi sự kiện cao cấp về các chủ đề nổi bật tại Việt Nam.
Sự kiện này thu hút hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý và hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia tới tham dự để trao đổi và thảo luận về các thách thức cũng như các giải pháp cho việc xây dựng và phát triển các thành phố thông minh và bền vững tại Việt Nam. Q. Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường đã tham dự hội thảo này.
Ông Phạm Trọng Thực, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Trọng Thực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang rất quan tâm đến quá trình đô thị hóa; hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của các đô thị trong việc hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, cũng như trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Việc xây dựng các thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Việt Nam tin rằng, việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là vô cùng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an ninh xã hội, đồng thời để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị”.
Q. Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường (Thứ 2 từ phải sang) trao đổi tại hội thảo
Q. Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường nhận định việc xây dựng các thành phố thông minh là một nhu cầu thực tại đối với nhiều thành phố tại Việt Nam chứ không phải theo trào lưu của thế giới. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nằm ở mức cao trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam có trên 800 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt 36-37%, dự báo đạt 50% vào năm 2025. Hiện tượng dịch cư từ nông thôn ra đô thị diễn ra phổ biến, từ đó tạo sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dẫn đến nhiều hệ lụy như gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Đô thị VN phải đương đầu với những vấn đề hết sức cơ bản như chất thải, nước thải, giao thông công cộng... Ông cho rằng mặc dù bối cảnh khó khăn như vậy có lẽ bước đi tắt đón đầu phát triển thành phố thông minh bỏ qua bước trung gian lại là chìa khóa, câu trả lời giúp chúng ta có động lực giải quyết vấn đề cơ bản nêu trên. Tiềm năng phát triển đô thị thông minh ở VN rất lớn tuy nhiên còn nhiều thách thức.
Tại hội thảo, các ý kiến được trao đổi, thảo luận sôi nổi nhằm tìm ra những hướng đi, những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam trên con đường xây dựng các đô thị thông minh và bền vững.
Mới đây, tại Đại hội về chính sách phát triển đô thị quốc gia ở Hamburg (Đức), các đại biểu đã thảo luận Điều lệ Thành phố Thông minh. Thành phố này cần thỏa mãn các tiêu chí gồm: đáng sống và đáng yêu; đa dạng và cởi mở; khuyến khích và cho phép sự tham gia của người dân; trung lập về mặt khí hậu và hiệu quả về mặt tài nguyên; cạnh tranh và thịnh vượng; cởi mở và sáng tạo; phản ứng nhanh và nhạy bén; an toàn và tự do.