Quang cảnh cuộc họp
Bảo vệ kết quả thực hiện Nhiệm vụ trước Hội đồng, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tại Việt Nam hiện nay, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tại một số địa phương như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất một số văn bản có liên quan về thí điểm công tác đánh giá tác động giao thông, song nội dung này mới trong quá trình hoàn thiện. Trong khi đó, ở quy mô toàn quốc, Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức để đưa ra khái niệm, quy định và các nguyên tắc liên quan đến đánh giá tác động đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các dự án đầu tư xây dựng. Do đó, việc thực nhiệm Nhiệm vụ là rất cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng.
Mục tiêu Nhiệm vụ nhằm thu thập tài liệu, số liệu về thực trạng hạ tầng kỹ thuật, tập trung vào vấn đề giao thông và cấp, thoát nước; xây dựng dự thảo Hướng dẫn đánh giá tác động đến hạ tầng kỹ thuật. Phạm vi nghiên cứu là các dự án đầu tư xây dựng tại 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có chức năng, quy mô, các chỉ tiêu thay đổi so với quy hoạch chi tiết được duyệt.
Để thực hiện Nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tích cực sưu tầm, tham khảo các tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan, đồng thời áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, bao gồm: tổng hợp, so sánh, kế thừa, chuyên gia. Từ đó, nhóm hoàn thành các sản phẩm Nhiệm vụ; đề xuất nhiều giải pháp nhằm cải thiện hệ thống giao thông các đô thị (đề xuất tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường có nguy cơ ùn tắc; tổ chức giao thông tại các nút giao, điều chỉnh và tối ưu chu kỳ đèn giao thông; cải thiện kết nối cho người đi bộ tiếp cận với các điểm dừng hệ thống giao thông công cộng; kiểm soát, tổ chức giao thông trong khu vực nội bộ dự án thông qua việc bố trí khu vực đón trả khách, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm kết nối, tiếp cận...Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị đưa nội dung đánh giá tác động đến hạ tầng kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng vào hệ thống văn bản pháp luật để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư và có các giải pháp cải thiện, bổ sung về hạ tầng kỹ thuật phù hợp. Các đô thị khi lập quy hoạch phải tính toán, dự báo nhu cầu lưu lượng giao thông, làm cơ sở dữ liệu đầu vào cho công tác đánh giá tác động đến hệ thống giao thông; xây dựng bộ dữ liệu đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở kết quả của các báo cáo đánh giá tác động; nghiên cứu trong tương lai đánh giá tác động bổ sung theo các tiêu chí về giao thông công cộng, về bãi đỗ xe, về giao thông phi cơ giới, về an toàn giao thông.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ, hồ sơ nghiệm thu đầy đủ, tuân thủ theo đúng quy định hiện hành; các phương pháp nghiên cứu phù hợp; Báo cáo tổng kết ngắn gọn, bố cục hợp lý, bám sát đề cương đã được phê duyệt. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết, nhóm nghiên cứu cần rà soát, bổ sung, làm rõ hơn mục tiêu của nghiên cứu; bổ sung đối tượng nghiên cứu; làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước; lưu ý phân tích cơ sở khoa học của các ngưỡng chỉ số lựa chọn.
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ để sớm hoàn thiện các sản phẩm của Nhiệm vụ, trình lành đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu thông qua Nhiệm vụ.