ThS. KS. Nguyễn Anh Tuấn báo cáo đề tài
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. KS. Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm QHXD 4, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày nội dung tóm tắt của đề tài. Theo đó, tại Việt Nam đang diễn ra quá trình đô thị hóa một cách nhanh chóng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... Trong những năm qua, các đô thị đã đầu tư rất nhiều cho mạng lưới giao thông tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường . Hệ thống giao thông tĩnh đô thị là một trong những yếu tố cấu thành của hệ thống giao thông vận tải, đảm bảo tính liên tục về mặt công nghệ trong quá trình vận chuyển hàng hóa và hành khách trong đô thị. Mặc dù các đô thị đã chú trọng trong công tác lập và triển khai quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh, tuy nhiên quá trình triển khai quy hoạch còn chậm, thiếu các chính sách hỗ trợ đi kèm và đặc biệt là việc phân bổ vốn cho thực hiện quy hoạch còn thiếu. Từ những vấn đề cấp thiết đặc ra của thực tiễn ở các đô thị Việt Nam, cũng như yêu cầu phải hoàn thiện lý luận về quy hoạch, quản lý phát triển hệ thống giao thông tĩnh, việc nghiên cứu đề tài "Nghiên cứu quy hoạch, quản lý phát triển hệ thống giao thông tĩnh tại các đô thị" là hết sức cần thiết.
Mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu thực trạng hệ thống giao thông tĩnh tại các đô thị; Đề xuất các giải pháp quy hoạch, quản lý phát triển hệ thống giao thông tĩnh.
Nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm:
- Tổng quan về hệ thống giao thông tĩnh
- Thực trạng hệ thống giao thông tĩnh tại các đô thị
- Giải pháp phát triển hệ thống giao thông tĩnh tại các đô thị
PGS.TS Lưu Đức Cường chủ nhiệm hội đồng
Đề tài đưa ra đề xuất giải pháp cho các khu vực cụ thể: Khu vực trung tâm; Khu vực xây dựng mới, phát triển mở rộng; Khu vực chung cư cao tầng; Khu vực đầu mối của vận tải hành khách và hàng hóa. Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất cơ chế chính sách quản lý, quy hoạch phát triển hệ thống giao thông tĩnh
Các thành viên hội đồng đóng góp ý thêm một số ý kiến cho nhóm nghiên cứu như nên cấu trúc lại nội dung, làm rõ tại sao chọn Hà Nội và Hải Phòng để nghiên cứu, có rà soát các nghiên cứu, đánh giá các giải pháp đã thực hiện ở các thành phố lớn để đưa ra giải pháp, đưa hình ảnh minh họa ở 2 thành phố Hà Nội, Hải Phòng...
Kết luận cuộc họp, chủ tịch hội đồng Lưu Đức Cường đề nghị cấu trúc lại nội dung đề tài, đưa thêm thành phố Hồ Chí Minh vào nghiên cứu; bổ sung thêm cơ sở pháp lý, cần có kiến nghị cho nghiên cứu tiếp theo. Ngoài ra, Viện trưởng yêu cầu nhóm đề tài tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng, hoàn thiện nội dung của đề tài, chỉnh sửa trong vòng 2 tuần để trình Bộ nghiệm thu.