Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Huy Dũng báo cáo tóm tắt nội dung
Tại buổi nghiệm thu, chủ nhiệm đề tài Nguyễn Huy Dũng đã trình bày một số nội dung cơ bản của đề tài. Theo đó, Vùng trung du và miền núi phía Bắc mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, song cũng là vùng có địa hình phức tạp, chia cắt hiểm trở và chịu nhiều nguy cơ thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét và trượt lở đất. Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, nông thôn và các công trình phòng chống thiên tai đô thị… chưa đáp ứng yêu cầu. Trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn, mặc dù nội dung phòng tránh thiên tai đã thực hiện song chưa đầy đủ, nhất là ứng phó với lũ ống, lũ quét, trượt lở đất. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng hướng dẫn quy hoạch đô thị, nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng trung du, miền núi phía Bắc hết sức cấp thiết.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm: - Đánh giá thực trạng tác động, ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các đô thị, điểm dân cư nông thôn vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Rà soát công tác quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
- Đề xuất các giải pháp quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu
- Biên soạn hướng dẫn quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất – vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong công tác phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Đề tài đã triển khai công tác thực địa, thu thập tài liệu tại 7 tỉnh trọng điểm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và đánh giá thực trạng và tác động của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đối với các đô thị và điểm dân cư nông thôn tại 7 tỉnh nói trên. Dựa trên nghiên cứu cơ sở khoa học về quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và các nghiên cứu kế thừa, đề tài đề xuất các giải pháp phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để xem xét lồng ghép trong quá trình lập quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn vùng trung du và miền núi phía Bắc. Các giải pháp này bao gồm: Giải pháp xây dựng bản đồ đánh giá đất xây dựng trên cơ sở kế thừa bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất nhằm kiểm soát xây dựng, tránh xây dựng ở các vùng có rủi ro cao; Giải pháp quy hoạch không gian và sử dụng đất gắn với phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhằm lựa chọn các chức năng sử dụng đất phù hợp, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; Quy hoạch hệ thống công trình bảo vệ đô thị, nơi sơ tán khẩn cấp như kênh tránh lũ, đập chắn lũ, hồ điều tiết…; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đề tài đã xây dựng Hướng dẫn quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hướng dẫn đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về nội dung và phương thức phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong quá trình lập đồ án quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn.
Ths.KS Nguyễn Hùng Sơn phản biện đề tài
Đánh giá về kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện nội dung nghiên cứu.
Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung, rà soát đặc điểm phân bố dân cư hiện trạng trong phần tổng quan, làm rõ người dân địa phương đã có giải pháp gì trong phòng chống thiên tai, cần có luận cứ cho cơ sở khoa học lựa chọn địa điểm đối với khu định cư ở vùng chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, bà cho rằng hướng dẫn cần tách ra thì hợp lý hơn trong đó đưa ra giải pháp chung, giải pháp cụ thể cho từng khu vực. Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên hội đồng.