Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày về sự cần thiết phải thực hiện đề tài, PGS.TS Lưu Đức Cường - chủ nhiệm đề tài đồng thời cho biết: đề tài nhằm mục tiêu đánh giá tác động của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc; rà soát, đề xuất các giải pháp quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhằm phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai; biên soạn Hướng dẫn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, phòng ngừa, giảm nhẹ tác động của thiên tai.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tham khảo nhiều tài liệu, dự án liên quan; áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học như điều tra thu thập, phân tích, đánh giá số liệu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại diện các địa phương... Dựa vào các kết quả thu được, nhóm đã hoàn thành xây dựng Hướng dẫn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với các chỉ dẫn cụ thể về nội dung và phương thức phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong quá trình lập đồ án quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn.
Kết thúc nghiên cứu, nhóm đã đề xuất một số giải pháp quy hoạch xây dựng trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các mô hình, giải pháp như: mô hình ứng phó, lập bản đồ đánh giá đất xây dựng, quy hoạch không gian và sử dụng đất, quy hoạch hệ thống bảo vệ công trình đô thị, sơ tán khẩn cấp, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn đề xuất một số nội dung sửa đổi các Luật, Nghị định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có liên quan; kiến nghị ban hành Hướng dẫn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc dưới dạng hướng dẫn kỹ thuật, thí điểm áp dụng nhằm tiếp tục hoàn thiện Hướng dẫn; rà soát công tác phòng chống thiên tai, nhất là các biện pháp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành; bổ sung các vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình tính toán, thiết kế cơ sở hạ tầng và công trình.
Ghi nhận những nỗ lực của nhóm nghiên cứu VIUP trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đề tài theo hợp đồng, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí đánh giá: Báo cáo tổng kết đề tài được thực hiện công phu, bố cục hài hòa, đang dạng nguồn thông tin, số liệu. Đề tài đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị có tính khả thi nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến nội dung nghiên cứu, đồng thời hoàn thành Hướng dẫn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với nội dung hợp lý, dễ hiểu.
Nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, Hội đồng lưu ý nhóm nghiên cứu cần bổ sung tài liệu tham khảo của một số dự án do Ngân hàng Châu Á phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện, có nội dung liên quan để đa dạng hóa và tăng tính thuyết phục của nguồn thông tin, số liệu; đề xuất cụ thể những nội dung cần sửa đổi trong các văn bản pháp luật liên quan; biên tập ngắn gọn, súc tích hơn nội dung Hướng dẫn.
Kết luận cuộc họp, Vụ trưởng Trần Thu Hằng đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ do VIUP thực hiện, với kết quả đạt loại Khá.