Thành phố Huế nhìn từ trên cao
Theo đó, mục tiêu quy hoạch đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; là thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2065, Huế trở thành thành phố festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới. Thừa Thiên Huế sẽ có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả.
Đô thị Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình "Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực". Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên Huế gồm “Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó:
Một hệ thống di sản gồm: Các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; các di sản khảo cổ học; các di sản chiến tranh cách mạng nổi bật là di sản gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; các di sản đô thị, đô thị cổ và làng cổ, nhà vườn, các không gian văn hóa lễ hội đặc trưng...;
Hai không gian sinh thái cảnh quan gồm: Không gian sinh thái đồi, núi phía Tây tỉnh từ Bạch Mã đến Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và không gian đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kết hợp với vùng ven biển. Liên kết không gian ven biển và không gian đồi núi qua các hành lang cảnh quan chính của sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, hệ thống sông địa phương;
Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1, cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Đông – Tây với hệ thống cảng biển gắn với các cửa khẩu qua đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy các liên kết về không gian nội vùng với tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng qua hệ thống đường ven biển, quốc lộ 49B, đường sắt tốc độ cao;
Ba trọng điểm phát triển đô thị gồm: (1) Khu vực đô thị trung tâm gồm thành phố Huế hiện hữu và vùng mở rộng phía Hương Thủy, Hương Trà; (2) Đô thị cửa ngõ phía Nam tại Chân Mây; (3) Đô thị cửa ngõ phía Bắc tại Phong Điền. Các đô thị khác được gắn kết trong các vùng sinh thái với hệ thống hạ tầng đô thị hoàn chỉnh;
Bốn vùng quản lý phát triển như sau: Vùng không gian đô thị trung tâm, bao gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thuỷ, quận Hương Trà (Phân vùng A); Vùng không gian phía Nam, bao gồm đô thị Chân Mây, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc - Nam Đông (Phân vùng B); Vùng không gian phía Bắc, bao gồm đô thị Phong Điền và huyện Quảng Điền (Phân vùng C); Vùng không gian phía Tây là huyện A Lưới (Phân vùng D).
ThS,KS Đoàn Trọng Tuấn (VIUP) trình bày đồ án tại Hội nghị thẩm định