Quang cảnh buổi tọa đàm
Theo báo cáo tại tọa đàm, Chương trình phát triển đô thị mới Sơn Tịnh do UBND huyện Sơn Tịnh lập quy hoạch và đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Phân viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn miền Trung thuộc Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - BXD. Theo định hướng quy hoạch chung, đô thị mới Sơn Tịnh có diện tích khoảng 2.018 ha bao gồm toàn bộ 1.981 ha diện tích tự nhiên của xã Tịnh Hà và một phần (khoảng 37 ha) diện tích tự nhiên của xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Việc lập và tổ chức thực hiện Chương trình phát triển đô thị mới Sơn Tịnh là một bước tất yếu phải làm theo khung pháp lý nhằm rà soát tổng thể các tiêu chuẩn, các mặt: kinh tế - xã hộ, văn hóa, giáo dục, y tế, hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị. Từ đó hoạch định kế hoạch cụ thể phát triển đô thị giai đoạn ngắn hạn 2030 và định hướng phát triển đến năm 2045, có giải pháp khắc phục những tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu và khai thác các điểm mạnh để đô thị phát triển bền vững, đúng hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, trên cơ sở khai thác các tiềm năng, khắc phục những bất cập hiện nay...
Có 16 báo cáo tham luận và ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại buổi tọa đàm, các ý kiếu đều cho rằng việc lập Chương trình phát triển đô thị mới Sơn Tịnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phù hợp với Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định: (1) Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; (2) Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (3) Quyết định số 580/QĐ-UBND ngày 29/6/2023 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung. Hồ sơ thuyết minh Chương trình phát triển đô thị mới Sơn Tịnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được chuẩn bị khá công phu, trách nhiệm, có sự nghiên cứu đầu tư nghiêm túc; bố cục chặt chẽ, có số liệu chứng minh; có sự tích hợp, có tính kế thừa; phù hợp với thực trạng phát triển đô thị vùng quy hoạch và yêu cầu phát triển đô thi trong những năm đến…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng cho rằng: việc lập Chương trình phát triển đô thị mới Sơn Tịnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nên xem xét, nghiên cứu kỹ, vì thực trạng vùng quy hoạch Khu đô thị mới Sơn Tịnh thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ; nhất là đoạn đường từ Chợ Mới đến Tịnh Sơn bị ngập sâu gây chia cắt giữa Khu hành chính tập trung với các xã thuộc huyện Sơn Tịnh; cần phân tích sâu hơn về thực trạng ngập úng phạm vi khu vực phát triển đô thị, có giải pháp lựa chọn không gian và quy hoạch sử dụng đất đô thị hiệu quả, hạn chế phát triển dàn trải, bê tông hóa, bảo tồn và phát triển không gian xanh, mặt nước; hình thành không gian đệm trữ nước, lưu chứa nước; quản lý tổng hợp nguồn nước (tái chế, xử lý, tuần hoàn nước, trữ nước…); cần nghiên cứu bổ sung làm rõ phương án thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ cho sông Trà Khúc được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 1647/QĐ-UBND ngày 30/11/2022 về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cần làm nổi bật hơn vai trò đầu mối giao thông của Tịnh Hà: (i) Tuyến đường DT622 và DT622C nối Tịnh Hà với thị trấn Trà Xuân và Thị trấn Di Lăng, (ii) Tuyến đường 24B và DT623 nối với Sơn Dung (Sơn Tây) và Măng Đen, Kon Tum, (iii) Cầu Trà Khúc 3 nối Tịnh Hà với các xã phía Nam huyện Tư Nghĩa; đề nghị xem xét, cụ thể hơn về khái toán vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong 03 phân khu đô thị; …
Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội ghi nhận, tiếp thu các vấn đề của đại biểu thảo luận góp ý, Liên hiệp Hội sẽ tổng hợp thành báo cáo gửi cho Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu, xem xét để trình cấp có thẩm quyền quyết định.