Quy hoạch TP Thủ Đức, TP.HCM phải chừa chỗ cho không gian sáng tạo

Sáng 5/3, UBND TP Thủ Đức, TP.HCM tổ chức Tọa đàm Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng triển khai nhiệm vụ Quy hoạch chung TP Thủ Đức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1538/QĐ-TTg ngày 16/9/2021. Toạ đàm thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng 300 doanh nghiệp tham dự.

Tầm nhìn xa nhưng cũng phải chừa không gian sáng tạo

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, toạ đàm nhằm triển khai các nội dung của nhiệm vụ quy hoạch chung đã duyệt và xây dựng ý tưởng để định hướng phát triển không gian đô thị của TP Thủ Đức đến năm 2040.

Những đóng góp này sẽ góp phần đảm bảo Thủ Đức phát triển đúng định hướng trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng; trung tâm tri thức, văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistic tầm quốc tế...

Buổi toạ đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Hà An)

Tại buổi toạ đàm, các ý kiến đóng góp chủ yếu về các lĩnh vực mà TP Thủ Đức đang quan tâm như giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số, logistic cảng, tài chính, bất động sản… Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến 3 trụ cột là cơ sở hạ tầng, sáng tạo và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo các đại biểu, trước mắt cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết vấn đề quy hoạch treo và hình thành quỹ đất dự trữ; cần quan tâm đến việc chống ngập nước, bãi đậu xe; nhanh chóng di dời cảng Trường Thọ, hình thành các điểm tiếp cận các khu đất dọc sông để phát triển logistic…

Bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng, quy hoạch cần phải có tầm nhìn xa nhưng cũng phải chừa ra không gian cho sự sáng tạo, phát huy sự sáng tạo của doanh nghiệp và người dân, đáp ứng yêu cầu trước mắt. Trong đó, TP Thủ Đức cần đáp ứng 3 yêu cầu là đa dạng, linh hoạt và nhận thức giá trị về mật độ, cần tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng.

Theo bà Linh: "Chúng ta rất cần các nhà đầu tư lớn nhưng phải cẩn thận, đừng coi các nhà đầu tư chiến lược mới quan trọng mà phải cùng lúc có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và rất rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, các hộ cá thể… ai cũng phải có cơ hội thì nền kinh tế mới thực sự phát triển".

Phát triển xanh, tận dụng thuận lợi về sông nước và đột phá về giao thông

Nhiều đại biểu cũng gợi ý TP Thủ Đức cần phải tính toán lại vấn đề kinh tế ban đêm; phải kiên định theo hướng phát triển xanh; tận dụng thuận lợi về việc 3 mặt giáp sông để phát huy giá trị sông nước, kết nối giao thông, du lịch đường thuỷ và kết nối con người bằng các khu văn hoá hội tụ cộng đồng trên bến dưới thuyền.

Ngoài ra, TP Thủ Đức cần tập trung ngay và sớm việc xây dựng Khu thể thao Rạch Chiếc để SEA Games lần tới hoặc là cả ASIAD, TP.HCM có thể đảm nhận phần lớn trong khâu tổ chức bởi “văn hoá, thể thao phải phát triển tương xứng với kinh tế, xã hội”…

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất cần phải phân cấp phân quyền mạnh hơn nữa cho TP Thủ Đức và phải có đột phá về hạ tầng giao thông. Hiện Trung ương và TP.HCM đang quan tâm đến vấn đề này như kéo dài tuyến Metro số 1 lên tận Bình Dương, Biên Hoà, đầu tư mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, khép kín Vành đai 2, triển khai Vành đai 3...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, TP Thủ Đức cần phải cùng với các bên có liên quan đẩy nhanh hơn nữa vấn đề này. "Muốn phát triển thì đầu tiên phải chú ý tới hạ tầng. Và trong hạ tầng đô thị thì giao thông sẽ là vấn đề quyết định thành công của TP Thủ Đức. Chỉ cần định hướng phát triển dựa trên quy hoạch và quy hoạch đó tiếp nhận ý kiến phản biện, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp thì không cần phải lo về vấn đề nguồn vốn"./. 

(Nguồn:vov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website