Còn nhiều lúng túng trong triển khai quy hoạch cấp tỉnh
- Luật Quy hoạch từ khi có hiệu lực đến nay đã gặp nhiều vướng mắc, lúng túng. Vậy theo ông, nguyên nhân là từ quy định của luật hay là từ khâu thực thi?
Từ kinh nghiệm triển khai thực tiễn cho thấy, theo tôi vấn đề tồn tại nằm ở cả hai. Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 có hiệu lực từ năm 2019, trên cơ sở Luật Quy hoạch có 1 quy hoạch quốc gia, 41 quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh, 6 quy hoạch vùng được phê duyệt để làm cơ sở triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 -2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt.
Ông Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng
Trong thực hiện quy hoạch cấp tỉnh, một số vấn đề trong quá trình triển khai luật cần phải xem xét lại. Thứ nhất, là mục tiêu của quy hoạch. Mục tiêu của Luật Quy hoạch là rất tốt, đưa ra một quy hoạch tổng hợp mang tính chất chiến lược, đồng thời đã đưa ra những hạn chế, các loại hình quy hoạch không cần thiết. Tuy nhiên, quá trình hướng dẫn triển khai lại đưa rất nhiều loại hình quy hoạch vào trong một bản quy hoạch, dẫn tới rất nhiều xung đột giữa các bên, đặc biệt là các phương pháp luận, phương pháp tiếp cận giữa các nhóm ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Thứ hai, chúng ta triển khai một cách đồng bộ trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng nghĩa là toàn bộ xã hội cũng đều phải tham gia vào quy hoạch này, nhưng chúng ta lại không có một hình mẫu, một hình dung hay nội dung sản phẩm quy hoạch, dẫn tới khi thực hiện mỗi bên hiểu theo một ý. Vì vậy, chúng ta cần phải làm điểm, đưa ra một quy hoạch mẫu hướng dẫn để các bên cùng thực thi.
Thứ ba, hiện nay hệ thống đang triển khai theo phương thức quy hoạch, kế hoạch và thực thi, cho nên sẽ có liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực. Nếu chỉ giới hạn một số loại hình quy hoạch theo Luật Quy hoạch như hiện nay thì sẽ dẫn tới rất nhiều ngành, lĩnh vực khó triển khai. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ đã phải họp để đưa ra ý kiến là phải giữ lại một số các ngành đặc thù để tiếp tục thực hiện theo các quy hoạch chuyên ngành.
Chúng ta nên tập trung nghiên cứu một, hai sản phẩm quy hoạch tương đối rõ nét, bài bản, đúng mong muốn của quốc gia và đáp ứng được các yêu cầu quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Từ cơ sở đó mới áp dụng rộng rãi trên toàn quốc thì mới có thể triển khai được mong muốn của Luật Quy hoạch là đưa ra các đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Vậy thưa ông, quy hoạch ngành và quy hoạch chung có xung đột gì trong thực thi?
Hệ thống quy hoạch của chúng ta khá cồng kềnh. Quy hoạch chung được áp dụng trong hệ thống của ngành xây dựng, là quy hoạch chung của đô thị và quy hoạch chung của các khu chức năng. Ngoài ra, để triển khai được thì rất nhiều ngành về kỹ thuật khác cũng đều có các kế hoạch, quy hoạch chuyên ngành. Thực tế triển khai cho thấy, các quy hoạch lập ở các thời điểm khác nhau cho nên thông tin đầu vào và giải pháp đưa ra cũng không thống nhất. Phương pháp tiếp cận và giải quyết của từng ngành cũng khác nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa xem trọng vấn đề tính đồng bộ và kết nối giữa các loại hình quy hoạch khác nhau, nên khi được phê duyệt thì nội dung của các đồ án quy hoạch đã không có sự đồng bộ và nhiều nơi còn có các bản quy hoạch gây bất cập dẫn đến mâu thuẫn trong triển khai thực tế.
Vì vậy, vẫn theo định hướng của Luật Quy hoạch thì với cấp tỉnh vẫn nên có một bản quy hoạch cấp tỉnh. Còn đối với các địa phương chỉ cần có các quy hoạch chung của các đô thị hoặc quy hoạch chung cấp huyện thì sẽ lồng ghép được tất cả các nội dung của các quy hoạch vào trong cùng một bản quy hoạch. Điều này sẽ không gây mâu thuẫn trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Lập quy hoạch phải có lộ trình triển khai cụ thể
- Quy hoạch chậm trễ, quy hoạch treo, quy hoạch chồng lấn gây thiệt hại cho nguồn lực kinh tế - xã hội rất lớn. Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp xử lý triệt để những vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Lâu nay chúng ta chỉ coi trọng và tập trung vào việc lập được một bản quy hoạch. Nhưng với kinh nghiệm các nước trên thế giới, việc thực hiện quy hoạch quan trọng hơn rất nhiều. Vì vậy, để thực hiện được quy hoạch thì quá trình lập quy hoạch phải có một lộ trình triển khai cụ thể. Ngoài ra, phải có được nguồn lực của các bên, xác định được nguồn lực khả thi trong điều kiện nguồn lực có thể huy động được để thực hiện quy hoạch. Phải có phân công trách nhiệm rõ của các bên liên quan để chúng ta có điều kiện để kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, phải có kiểm tra, đánh giá thường xuyên công tác thực hiện quy hoạch thực hiện dự án.
Khi những bản quy hoạch không triển khai đúng hạn, đúng mong muốn thì phải có điều chỉnh và thay đổi. Làm được như vậy thì sẽ không có những bản quy hoạch tạm gọi là “quy hoạch treo” trong thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, như nhiều địa phương đang đề cập, trong quá trình thực hiện quy hoạch mặc dù giải pháp đó là đúng nhưng chưa có điều kiện, nguồn lực triển khai cũng phải đưa ra những cơ chế, hành lang tạm thời để bảo đảm điều kiện của người dân trong vùng dự án thực hiện, thay đổi theo quy hoạch của dự án.
- Vậy ông có mong muốn gì đối với việc điều chỉnh Luật Quy hoạch trong thời gian sắp tới?
Đối với việc nghiên cứu điều chỉnh Luật Quy hoạch, trước hết cần phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của kinh tế - xã hội, bối cảnh pháp lý của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần phải có một lộ trình. Thứ nhất, phạm vi của Luật Quy hoạch cần điều chỉnh tập trung vào những vấn đề mang tính chất chiến lược cho phát triển quốc gia, vùng và cấp tỉnh.
Thứ hai, cần giới hạn nội dung của các bản quy hoạch. Chúng ta chỉ nên tập trung giải quyết một vài vấn đề chứ không thể đưa tất cả vào trong thực tiễn áp dụng. Tùy theo địa phương, tùy theo những nhu cầu cụ thể của các vùng sẽ có những yêu cầu giải quyết và cách làm quy hoạch khác nhau. Vì vậy, chúng ta không nên áp đặt tất cả các địa phương phải làm theo một bản quy hoạch.
Thứ ba, tăng cường huy động sự sáng tạo của các nhà khoa học, các chuyên gia để có thể làm đổi mới những giải pháp cho các quy hoạch, từ đó có tính khoa học, tính kỹ thuật cao hơn.
- Xin cảm ơn ông!