Toàn cảnh Hội nghị
Theo Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia lập (VIUP - Đơn vị tư vấn), việc triển khai lập Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng và phát triển Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia trước năm 2025, trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên nói riêng, miền núi Bắc Bộ nói chung; Đẩy mạnh phát triển liên kết về không gian, kết nối hạ tầng khung Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên, Vườn quốc gia Tam Đảo và Vùng Thủ đô Hà Nội.
Nhiệm vụ đề ra các mục tiêu để đơn vị lập đồ án quy hoạch nghiên cứu nhằm xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với quy mô khách du lịch ước tính lên đến 4 triệu lượt người vào năm 2030; bảo tồn và phát huy các thế mạnh của khu vực Hồ Núi Cốc về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái rừng phòng hộ, hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái vùng trồng chè Tân Cương; định hướng các khu vực phát triển chiến lược và hạ tầng đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc; làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc theo quy hoạch, để triển khai các dự án đầu tư xây dựng cần thiết tiếp theo.
Phạm vi lập quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc bao gồm toàn bộ cảnh quan tự nhiên Khu du lịch Hồ Núi Cốc, có diện tích 19.276ha, trong đó diện tích mặt nước Hồ Núi Cốc rộng khoảng 2.500ha.
Về định hướng quy hoạch không gian, Nhiệm vụ xác định vùng không gian Hồ Núi Cốc là không gian chủ đạo để chọn hướng phát triển, tận dụng địa hình tự nhiên, giá trị cảnh quan, giá trị văn hóa, nhân văn, các yếu tố hiện trạng và tính liên kết đã được xác định để chọn các khu vực xây dựng hợp lý; tập trung bảo vệ và khai thác hiệu quả các khu vực có giá trị cảnh quan tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, lựa chọn các khu vực có địa hình phù hợp để xây dựng các công trình cho Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc và khu đô thị dịch vụ, đảm bảo các quy định của pháp luật đất đai, không chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Nhiệm vụ cũng nêu lên những vấn đề cần giải quyết trong đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc. Trong đó xác định Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc là khu du lịch sinh thái, quá trình khai thác các lợi thế của khu du lịch này phải chú ý đặc biệt tới bảo vệ môi trường, tái định cư, mật độ xây dựng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ đa dạng sinh học vùng Hồ Núi Cốc. Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc cần có sự tham gia của nhiều địa phương trong tỉnh cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi và có hiệu quả cao.
Nhằm giúp đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp các ý kiến cụ thể trong các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương, giao thông; tài nguyên môi trường; hạ tầng; phát triển đô thị; quốc phòng an ninh.
Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng đánh giá đơn vị tư vấn đã nghiêm túc triển khai lập Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo thuyết minh tương đối đẩy đủ thông tin và chi tiết.
Bà Trần Thu Hằng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, cần nhấn mạnh quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc phải đảm bảo đa mục tiêu, đa tính chất, phát triển du lịch hài hòa với bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng phòng hộ, đồng thời bổ sung và làm rõ những yêu cầu về tổ chức không gian Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, trong đó chú ý các loại hình giao thông kết nối giữa các địa điểm trong Khu du lịch cũng như liên kết vùng; hoàn thiện dự thảo Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.