Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị.
Tổng quan về Khu kinh tế mở Chu Lai
Khu kinh tế mở Chu Lai (KKTM Chu Lai) được thành lập theo Quyết định số 108/2003/QĐ – Ttg ngày 05/06/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng cho mọi loại hình kinh doanh của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Chủ nhiệm Đồ án trình bày tóm tắt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTM Chu Lai.
Quy hoạch chung xây dựng KKTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 43/2004/QĐ-Ttg ngày 23/03/2004. Tính đến nay, sau 14 năm thực hiện, Đồ án quy hoạch chung xây dựng KKTM Chu Lai cần được xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Theo báo cáo của Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), KKTM Chu Lai có tổng diện tích tự nhiên 27.040ha, bao gồm thị trấn Núi Thành, 6 xã Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến và một phần xã Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành; các xã Tam Thanh, Tam Phú, một phần xã Tam Thăng và phường An Phú thuộc TP Tam Kỳ; các xã Bình Hải, Bình Sa, một phần xã Bình Nam, Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Minh, Bình Đào thuộc huyện Thăng Bình.
Về ranh giới địa lý, KKTM Chu Lai phí Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi khu vực huyện Núi Thành, khu vực sông Bàn Thạch thuộc TP Tam Kỳ và một phần huyện Thăng Bình; phía Nam giáp huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; phía Bắc giáp đường nối QL1A với đường ven biển 129.
Tính đến năm 2016, KKTM Chu Lai có dân số 128.094 người, bao gồm 14,31% dân số đô thị và 85,69% dân số nông thôn. Dân cư tại đây phân bố không đồng đều, mật độ dân số thưa thớt và có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, bình quân 474 người/km2, tỷ lệ tăng dân số trung bình 1,76%, trình độ dân trí và mức sống chưa cao.
Dân số trong độ tuổi lao động ở KKTM Chu Lai khoảng 69.000 người, lao động có việc làm ước tính đạt khoảng 52.700 người và 22.930 người đang làm việc trên địa bàn khu kinh tế. Bên cạnh đó, trong bán kính 100km quanh KKTM Chu Lai có dân số 8 triệu người cũng là nguồn cung cấp lao động dồi dào cho các dự án đầu tư.
Việc nằm gần các trung tâm đào tạo lớn của miền Trung như Đà Nẵng, Huế và Quy Nhơn cũng giúp KKTM Chu Lai có thuận lợi trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tính đến ngày 31/05/2018, KKTM Chu Lai đã thu hút 150 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 86,3 nghìn tỷ đồng; 103 dự án đi vào hoạt đông với số vốn thực hiện hơn 139,0 nghìn tỷ đồng
Đồ án quy hoạch chung KKTM Chu Lai cần chỉnh sửa những điểm nào?
Sau khi Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia trình bày tóm tắt Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KTTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”, Hội đồng thẩm định và 2 chuyên gia phản biện đã nhận xét, đóng góp ý kiến bổ sung cho Đồ án.
Thạc sĩ Vương Anh Dũng - Nguyên Vụ trưởng Vụ quy hoạch Kiến trúc, chuyên gia phản biện Đồ án đề nghị, Ban soạn thảo khi đánh giá hiện trạng phải so sánh với quy hoạch cũ, tham khảo nhiều hơn kinh nghiệm từ nước ngoài, tập trung phân tích kỹ các yếu tố trong và ngoài nước ảnh hưởng đến nhiệm vụ xuất khẩu rất quan trọng với các KKTM.
Thạc sĩ Vương Anh Dũng cũng nhận xét: Đồ án chưa quan tâm đúng mức đến việc khai thác sân bay Chu Lai, ngoài nhiệm vụ chuyên chở khách du lịch; đề nghị Ban soạn thảo phân tích rõ những căn cứ pháp lý của Đồ án, xem xét lại chỉ tiêu sử dụng đất đô thị và xây dựng các tuyến du lịch để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của khu vực.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật phản biện: Ban soạn thảo Đồ án cần đánh giá lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến khu vực; xem xét khả năng cung cấp nước cho các đô thị; đánh giá kỹ hơn bản đồ hiện trạng giao thông, bản đồ đánh giá đất xây dựng.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn cũng kiến nghị, Đồ án cần làm rõ bản đồ phân bổ các khu công nghiệp được điều chỉnh, bổ sung giải pháp cấp nước và hạ tầng phục vụ cho khu vực nông thôn và xác định rõ nguồn vốn đầu tư nhằm đảm bảo tính khả thi cho các dự án.
Về phía Hội đồng thẩm định, Bộ Quốc phòng đề nghị quy hoạch không chồng lấn lên các khu vực đất quốc phòng và các công trình quốc phòng đã được xây dựng nhằm kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn, đánh giá kỹ nội dung xây dựng khu đô thị thương mại dịch vụ gần khu vực sân bay Chu Lai, liên quan đến an toàn tĩnh không của sân bay.
Bộ Công Thương đề nghị Ban soạn thảo trình bày rõ Đồ án điều chỉnh nội dung nào, không điều chỉnh nội dung nào và điều chỉnh như thế nào; nghiên cứu bám sát nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị nghiên cứu bổ sung, hiện trạng các công trình văn hóa, thể dục thể thao, hiện trạng cơ sở vật chất phục vụ du lịch... làm diện tích, phạm vi bảo vệ của các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa đã được xếp hạng; nghiên cứu tác động qua lại giữa phát triển công nghiệp và phát triển du lịch; đánh giá kỹ những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khu vực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cơ quan tổ chức lập quy hoạch đánh giá lại vấn đề cấp điện, nước trong mùa khô và đánh giá sơ bộ nguồn vốn đầu tư để chủ động trong công tác chuẩn bị. Bộ Tài chính đề nghị đánh giá lại các nguồn lực trong các phân kỳ đầu tư
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam kiến nghị nghiên cứu phát triển sân bay Chu Lai trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế; làm rõ kết nối giữa hệ thống sân bay, cảng biển, đường sắt trong khu vực với hệ thống giao thông quốc gia và xem xét việc xây dựng hồ Phú Ninh thành một điểm nhấn thu hút và phát triển du lịch.
Vụ quy hoạch Kiến trúc đề nghị làm rõ những nội dung điều chỉnh của Đồ án lần này như ranh giới quy hoạch, tính chất khu kinh tế trong tình hình mới, hạ tầng kỹ thuật; phân khu và quy mô các khu chức năng; đánh giá hiện trạng theo đúng định hướng quy hoạch sử dụng đất trong Quyết định 43/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng KKTM Chu Lai; không thể chuyển dịch diện tích rừng phòng hộ ven biển; xem xét định hướng sử dụng đất và chuyển dịch dân cư đến năm 2035.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và các chuyên gia phản biện, Trưởng Ban quản lý KKTM Chu Lai, ông Đỗ Xuân Diện cho biết: Ban quản lý sẽ nhanh chóng phối hợp với đơn vị tư vấn để điều chỉnh, bổ sung những thiếu sót giúp Đồ án quy hoạch có tính khả thi cao nhất.
Trong khi đó, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ: KKTM Chu Lai đã giúp Quảng Nam từ xuất phát điểm là tỉnh nghèo thứ 2 cả nước vào năm 2003 đã có thể tự cân đối về ngân sách và điều tiết về Trung ương 10% từ năm 2017. Hiện tại, Quảng Nam đã thu ngân sách gần 22 nghìn tỷ, bao gồm hơn 18 nghìn tỷ thu nội địa.
“Chính KKTM Chu Lai với nòng cốt là doanh nghiệp ôtô Trường Hải đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế và GDP của Quảng Nam. Hiện nay, tỷ lệ công nghiệp, xây dựng và thương mại chiếm đến 88% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà.
Từ năm 2015, doanh nghiệp ôtô Trường Hải đã đóng góp 70% thu Ngân sách và bây giờ đã tăng lên đến 87%, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng ở KKTM Chu Lai. Ngoài ôtô, KKTM Chu Lai còn có rất nhiều ngành nghề khác”, ông Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh.
Thay mặt UBND tỉnh Quảng Nam, ông mong muốn Hội đồng thẩm định giúp điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung sớm nhất có thể nhằm công bố điều chỉnh quy hoạch đúng thời điểm kỷ niệm 15 năm thành lập KKTM Chu Lai và thành lập Tập đoàn ôtô Trường Hải.
Tổng kết Hội nghị thẩm định, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã khẳng định vai trò quan trọng của KKTM Chu Lai đối với tỉnh Quảng Nam và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thứ trưởng đánh giá Đồ án đã bám sát nhiệm vụ điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt, nhưng cũng đề nghị bổ sung Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng đề nghị Ban soạn thảo Đồ án cần làm rõ và bổ sung phần đánh giá hiện trạng của khu vực; lưu ý kiến nghị của Bộ quốc phòng; chỉnh sửa một số lỗi trong thuyết minh bản vẽ...
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị Trưởng Ban quản lý KKTM Chu Lai sớm chỉ đạo đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện Đồ án để Hội đồng thẩm định báo cáo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2018.