Tháo gỡ vưỡng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 28/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 21/03/2014.

Trong quá trình xây dựng, vận hành của ĐHQG TP.HCM, các khoa, các trường thành viên và các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh quy mô xây dựng nhằm phát triển đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quy mô phát triển của các khoa và các trường thành viên thành đô thị giáo dục theo tiêu chí khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, việc xây dựng khu đô thị ĐHQG TP.HCM được hình thành ở khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo Đại học, sau Đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những yêu cầu thiết thực và khách quan nêu trên, việc điều chỉnh đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 ĐHQG TP.HCM là hết sức cần thiết.

Theo nội dung Đồ án, quy mô diện tích quy hoạch được phê duyệt là 643,70ha. Một phần thuộc phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương (6,80ha) và một phần thuộc phường Linh Xuân, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (21,65ha).

Quy mô điều chỉnh là toàn bộ khu quy hoạch, bao gồm: Điều chỉnh diện tích các chức năng để bổ sung vào khu tái định cư có quy mô 10,03ha; điều chỉnh quy mô diện tích các đơn vị do cập nhật hiện trạng trục đường trục chính Đông Tây; bổ sung các tiểu dự án có diện tích/quy mô dưới 5ha nhằm giải quyết các nhu cầu phục vụ công tác giáo dục, nghiên cứu và lưu trú thuộc kế hoạch phân kỳ đầu tư xâv dựng của các trường và các đơn vị; điều chỉnh các thông sổ, chỉ tiêu kỹ thuật nhằm đáp ứng. nhu cầu phát triển của các đơn vị thuộc ĐHQG TP.HCM. Quy mô đào tạo đến năm 2030 là 65.000 sinh viên.

Việc điều chỉnh quy hoạch có mục tiêu chính là điều chỉnh quy hoạch chung ĐHQG TP.HCM căn cứ trên hiện trạng thực thi quy hoạch chung năm 1997, kế thừa và cập nhật nội dung quy hoạch chung năm 1997, quy hoạch chi tiết 1:2000 năm 2003 và năm 2014; đón đầu các định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM, thành phố mới Thủ Đức và tỉnh Bình Dương; đánh giá tác động của dự án tuyến Metro số 1, các định hướng quy hoạch giao thông trong khu vực và các quy hoạch ngành khác có liên quan; điều chỉnh dự báo quy mô, tính chất đào tạo của các trường thành viên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và theo nhu cầu và xu thế đào tạo tiên tiến của mô hình đô thị - Đại học, làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án thành phần trước nhu cầu phát triển theo tình hình mới.

Từ những lý do cần thiết và mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch nêu trên, ĐHQG TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt 2 nội dung. Một là phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dụng tỷ lệ 1/2.000 ĐHQG TP.HCM. Hai là giao ĐHQG TP.HCM lập Thiết kế đô thị riêng phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 ĐHQG TP.HCM.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định.

Đóng góp ý kiến phản biện cho đồ án, KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, đơn vị tư vấn đã cơ bản bám sát nhiệm vụ Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải quyết được 3 nhiệm vụ, chính là những vướng mắc về việc quy hoạch khu tái định cư; xác định được ranh giới dự án theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch về diện tích, mật độ, hệ số sử dụng đất, tính toán các khu hạ tầng kỹ thuật, đầu mối giao thông…

Tuy nhiên, KTS Phạm Thị Nhâm cũng lưu ý, tư vấn cần làm cô đọng hơn các mục tiêu quy hoạch, xem xét lại tên đồ án phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; bổ sung các chỉ tiêu kiến trúc xanh, không gian xanh…; xem xét để dành không gian dự trữ cho cả Đại học quốc gia và các trường thành viên trong tương lai.

Trong khi đó, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho rằng, quy hoạch lần này cần đối chiếu với quy hoạch cũ xem đã làm được gì, cần phải điều chỉnh những gì; làm rõ hơn mục tiêu hướng đến phục vụ sinh viên, bổ sung hiện trạng các tuyến giao thông chính, tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng trong phạm vi trường, phân định rạch ròi nội dung quy hoạch giao thông cho Đại học quốc gia và các trường thành viên.

Các thành viên của Hội đồng thẩm định cũng đã góp ý về việc bổ sung căn cứ pháp lý; rà soát kỹ quy hoạch hiện tại phù hợp với các quy hoạch cũ, đảm bảo tính kết nối về hạ tầng; xem xét lại quy mô đào tạo; cập nhật số liệu thực tế của các nguồn vốn, xây dựng lộ trình đầu tư hợp lý; rà soát quy mô xây dựng cơ sở hạ tầng hợp lý để đáp ứng nhu cầu sinh viên sẽ tăng lên.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị tư vấn làm rõ hơn các lý do điều chỉnh quy hoạch; xác định lại vai trò, tầm quan trọng của ĐHQG TP.HCM, đặc biệt là trong quy hoạch ngành.

Thứ trưởng cũng đề nghị ĐHQG TP.HCM và đơn vị tư vấn làm rõ hơn những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, trong đó có những thay đổi về nhu cầu, quy mô đào tạo; cùng với đó là những thay đổi về hình thức huy động vốn đầu tư, từ đó tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Một số vấn đề khác cần lưu ý trong Đồ án điều chỉnh lần này là vấn đề đền bù tái định cư; xác định rõ diện tích đất đã giao, những hạng mục đã đầu tư; xác định quy chuẩn đào tạo, từ đó có phương án điều chỉnh cho phù hợp; rà soát, cập nhật quy hoạch, thống nhất với quy hoạch của 2 thành phố Dĩ An và Thủ Đức; tiếp cận quy hoạch theo hướng mới, không chỉ tăng quy mô mà còn phải tăng thêm tiện ích; có dự trữ quỹ đất cho tương lai.

Trên cơ sở các góp ý tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị tư vấn sớm nghiên cứu, hoàn thiện đồ án để trình Chính phủ phê duyệt.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website