VIUP phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Viễn cảnh Đông Nam bộ lần II với chủ đề “Liên kết phát triển vùng đô thị động lực Đông Nam bộ”

Ngày 13/11/2020, tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế Viễn cảnh Đông Nam bộ lần II với chủ đề “Liên kết phát triển vùng đô thị động lực Đông Nam bộ”. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia phối hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển tổ chức.

Đoàn chủ tọa phiên toàn thể

Hội thảo thu hút sự có mặt của nhiều nhà khoa học từ các vụ, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước tham dự. 

Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 báo cáo tham luận của cán bộ quản lý đô thị, nhà khoa học, cán bộ giảng dạy tại các các cơ sở nghiên cứu và đào tạo khoa học khắp cả nước. 47 trong số các báo cáo nói trên đã được in kỷ yếu phát hành trong hội thảo. Nội dung của các báo cáo khoa học đã đề cập đến nhiều nội dung từ đặc điểm, nguyên tắc, mô hình quy hoạch, quản lý vùng đô thị động lực; các vấn đề về liên kết trong và liên kết ngoài giữa các đô thị trong vùng đô thị động lực; tiềm năng, cơ hội, thách thức trong quá trình phát triển vùng đô thị động lực; kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và phát triển vùng đô thị động lực trên thế giới.

Các tham luận được trình bày tại hội thảo xoay quanh 3 nhóm chủ đề chính: Lý luận và kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng đô thị động lực; Vấn đề liên kết kinh tế - xã hội vùng đô thị động lực thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai; Vấn đề quy hoạch phát triển vùng đô thị động lực thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. 

TS.KTS Nguyễn Trung Dũng điều hành tiểu ban 3: Quy hoạch phát triển vùng đô thị động lực Thành phố Hồ Chí MInh - Bình Dương - Đồng Nai

Tại hội thảo, TS.KTS Nguyễn Trung Dũng- Giám đốc Trung tâm Thông tin, đào tạo và HTQT đã trình bày tham luận về Cộng đồng vùng đô thị mô hình hợp tác liên kết trong quy hoạch phát triển các vùng đô thị lớn. Trong đó giới thiệu quy hoạch các vùng đô thị tại Cộng hòa Pháp, mô hình hợp tác liên đô thị trong quy hoạch và phát triển vùng đô thị lớn. Ông cho rằng đứng trước yêu cầu thực tiễn, mô hình hợp tác liên địa phương dưới nhiều hình thức và cấp độ đã ra đời. Cụ thể đối với cấp độ vùng đô thị là mô hình Cộng đồng vùng đô thị. Đây là một cấu trúc hành chính công được luật hóa và có cơ cấu tổ chức, chức năng, quyền hạn cụ thể, rõ ràng, có ngân sách hoạt động từ nguồn ngân sách cấp từ  nhà nước, vùng, tỉnh và thuế bổ sung. Mô hình này đặc biệt hiệu quả trong thực hiện công tác tổ chức lập quy hoạch không gian, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, dịch vụ công ích chung của cả vùng. Đây là mô hình đáng để các vùng đô thị lớn của Việt Nam nói chung và vùng TPHCM nói riêng tham khảo, nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện mô hình quản lý phát triển các vùng KT-XH, đô thị ở nước ta hiện nay; cụ thể là xây dựng được một cấu trúc hợp tác, phối hợp thiết thực, hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, trong đó nòng cốt là các đô thị động lực như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…

PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường trình bày báo cáo tổng kết hội thảo

Trong báo cáo tổng kết hội thảo, Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường thay mặt Ban tổ chức Hội thảo tổng kết lại những kết luận quan trọng đúc rút được qua các bài trình bày, bài kỷ yếu và phần thảo luận tại các Tiểu ban, cũng như đưa ra các kiến nghị trong việc hoàn thiện cơ chế điều phối hợp tác giữa các địa phương trong Vùng, trong đó có Vùng thành phố Hồ Chí Minh và Vùng đô thị động lực thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai; đẩy mạnh tiến độ đầu tư, triển khai các dự án giao thông kết nối cấp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch được duyệt; xây dựng cơ chế liên kết hợp tác nội Vùng làm cơ sở cho các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, cảnh quan chung.

Quang cảnh chung

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website