Quang cảnh chung
Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài TS. Ngô Trung Hải đã giới thiệu tóm tắt nội dung và sản phẩm đề tài. Theo đó, nghiên cứu tập trung vào công tác lập quy hoạch đô thị phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhằm xây dựng các đô thị Việt Nam hiện đại, bản sắc và bền vững. Tập trung đề xuất cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở đổi mới phương pháp lập QHĐT ở Việt Nam và góp phần nâng cao chất lượng các đồ án QHĐT, tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý và tư vấn QHĐT. Trong thời gian thực hiện đề tài từ 11/2015 - 3/2019 đề tài đã tổ chức 8 hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như khảo sát thực tiễn tại 10 đô thị tiêu biểu của Việt Nam từ đó đưa ra những tồn tại trong các văn bản pháp quy về lập và quản lý QHĐT; Quy trình lập QHĐT; Phương pháp lập QHĐT; Nội dung lập QHĐT; Sản phẩm, hồ sơ, bản vẽ QHĐT.
TS. Ngô Trung Hải đã giới thiệu tóm tắt nội dung và sản phẩm đề tài
Từ kinh nghiệm của các nước Nga, Nhật, Anh, Úc, Singapore, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc đề tài đã nhận diện một số điểm khác biệt so với hệ thống quy hoạch Việt Nam và xu thế đổi mới trong lập QHĐT và đề xuất phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm QHĐT đổi mới, đổi mới công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật , công tác đánh giá môi trường chiến lược và đề xuất sửa đổi một số nội dung văn bản pháp quy.
Theo đánh giá, đề tài mang lại những đóng góp cụ thể về giá trị khoa học và thực tiễn:
- Về phương pháp luận quy hoạch: hướng tới phương pháp QH hiện đại phù hợp với xu thế phát triển đô thị ở Việt Nam trong những năm tới
- Tập hợp các tài liệu về kinh nghiệm quy hoạch đô thị trên thế giới cho việc tham khảo, đào tạo...
- Lồng ghép những ưu điểm một số loại hình QHĐT trên thế giới vào công tác đổi mới QHĐT
- Về nội dung QHC, khả năng tích hợp cao đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị có sự tham gia các ngành, người dân và doanh nghiệp thể hiện trong tầm nhìn, các kịch bản phát triển, chiến lược phát triển cũng như cấu trúc khung, linh hoạt trong phương pháp lập QHC đô thị
- Về quy trình: lồng ghép các công đoạn QH (QHC+ Phân khu) và (QHCT +TKĐT) làm rút ngắn thời gian lập các đồ án QH trước đây
- Về thời gian: rút ngắn khoảng 2 năm nghiên cứu và phê duyệt các đồ án từ QHC - Phân khu và QHCT (chưa tính TKĐT). Qua đó đẩy nhanh công đoạn từ ý tưởng ra thực tiễn thực hiện.
- Về tài chính: tiết kiệm khoảng 2000 tỷ chi phí cho các loại QHPK trước đây. Bên cạnh đó, sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi và giảm chi phí xã hội của doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư.
- Về cải cách hành chính: Đảm bảo rút ngắn, tránh điều chỉnh QHPK do tác động của các dự án đầu tư. Tránh được cơ chế Xin - Cho trong QHĐT
- Đảm bảo giữ được tầm nhìn và khung định hướng, đồng thời linh hoạt trong thực tiễn quản lý và đầu tư
- Đáp ứng yêu cầu phát triển đồng thời kiểm soát phát triển cũng đảm bảo.
Cùng với việc kiến nghị hệ thống VBPL liên quan như Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản dưới luật như Nghị định, thông tư và các hướng dẫn liên quan, đề tài kiến nghị các cơ quan phụ trách lĩnh vực này tiếp tục cho thực hiện các đề tài NCKH hoặc các đề án cụ thể để hoàn thiện lộ trình đổi mới phương pháp, quy trình quy hoạch đô thị và nông thôn. Đặc biệt là các nghiên cứu sâu sắc, cụ thể về các phương pháp dự báo, tính toán dân số, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn... tính toán hạ tầng kỹ thuật nhất là đưa giao thông công cộng vào đồ án QHĐT chính thức.
Thành viên hội đồng
GS. TS Đỗ Hậu - chủ tịch Hội đồng kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, GS. TS Đỗ Hậu - chủ tịch Hội đồng cho rằng đề tài mang tính cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đây là đề tài có khối lượng đồ sộ, được nghiên cứu công phu thể hiện tâm huyết của tập thể nhóm nghiên cứu. Đề tài đã thực hiện đầy đủ 4 sản phẩm chính theo đặt hàng cùng chủng loại sản phẩm khác. Một số nội dung nghiên cứu đã được kiểm nghiệm trong đồ án thực tiễn. Tuy nhiên, một số điểm cần bổ sung, làm rõ thêm như bổ sung thêm báo cáo tóm tắt, rút gọn báo cáo tổng hợp cho cô đọng, bổ sung phương pháp dự báo và phương pháp ứng dụng. Nội dung về tính cấp thiết cũng như phần kết luận và kiến nghị cần viết sâu hơn, cụ thể hơn.
Hội đồng đánh giá đề tài đạt yêu cầu và đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện thêm theo góp ý của hội đồng trước khi báo cáo hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước.