ThS.KTS Nguyễn Chí Hùng báo cáo nội dung đồ án
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS.KTS Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc Trung tâm QHXD2 báo cáo tóm tắt nội dung đồ án. Theo đó, Điều chỉnh QHC thành phố Rạch Giá được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt năm 2008. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện theo quy hoạch, thành phố đã đạt được nhiều thành quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số vấn đề nảy sinh dẫn đến nhu cầu lập điều chỉnh QHC thành phố Rạch Giá. Phạm vi lập quy hoạch khoảng 15.000 ha. Bao gồm: diện tích thành phố Rạch Giá 10.780ha và diện tích mở rộng không gian biển phía Tây thành phố Rạch Giá, diện tích không gian liền kề của huyện Hòn Đất, Châu Thành.
Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch nhằm đến năm 2030: cân bằng và phát triển bền vững cấu trúc đô thị kinh tế bền vững – xanh, phát huy thế mạnh kinh tế biển, hoàn thành và đạt các tiêu chí đô thị loại I, giữ vững vị trí trung tâm kinh tế lớn nhất tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm thương mại đầu mối cấp vùng với các định hướng sau:
Đến năm 2040: phát triển đô thị là trung tâm vùng kinh tế phát triển năng động, là đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh trong các lĩnh vực mũi nhọn; là trung tâm du lịch, thương mại tài chính, dịch vụ, du lịch tầm vóc quốc tế; trung tâm đào tạo, y tế; bảo tồn cảnh quan và đô thị có năng lực thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồ án đưa ra mô hình và cấu trúc phát triển: Hình thành trục tuyến tính phát triển du lịch nghỉ dưỡng – thương mại dịch vụ theo hướng Nam Bắc kết nối với bờ biển và các đảo lân cận hình thành không gian phức hợp khu nghỉ dưỡng với chức năng thương mại ở khu lấn biển vịnh Rạch Giá hướng đến mục tiêu đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng quốc tế.
Xây dựng khu vực thí điểm đô thị xanh (Carbon Zero) và kết nối với tài nguyên du lịch hiện hữu.
Hình thành hệ thống du lịch kết nối với các đảo lân cận để đáp ứng nhu cầu đa dạng về du lịch nghỉ dưỡng.
Các không gian đảo phức hợp liên kết với các địa điểm du lịch xung quanh như đảo Hòn Tre, Hòn Sơn, Nam Du, Thành phố Phú Quốc nhằm nâng cao vai trò du lịch nghỉ dưỡng của thành phố Rạch Giá.
Kết hợp mô hình TOD để xây dựng thành phố Rạch Giá trở thành đô thị đầu mối giao thông cấp vùng, quốc gia về giao thông đường không, giao thông đường thủy, giao thông đường bộ. Hình thành hệ thống giao thông thông minh trong thành phố Rạch Giá.
Hình thành các khu ở xanh thông minh thí điểm chuyên môn hóa như nhà ở xanh thông minh, xây dựng công viên và quy hoạch đường gió chống đảo nhiệt, xây dựng đường đi bộ, đi xe đạp, hệ thống tuần hoàn nước, cung cấp đầy đủ năng lượng mới tái tạo.
Cùng với định hướng phát triển không gian, Đồ án đưa ra những định hướng quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; kinh tế đô thị; đánh giá môi trường chiến lược.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhất trí với nội dung đồ án, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến giúp nhóm nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện đồ án.
Chủ tịch hội đồng Phạm Thị Nhâm kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch hội đồng Phạm Thị Nhâm đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Bà đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung cập nhật các căn cứ pháp lý mới. Về ranh giới lập quy hoạch nên theo ranh giới hành chính của thành phố Rạch Giá. Nhóm cần rà soát đánh giá hiện trạng kỹ lưỡng, số liệu chính xác, hệ thống hóa tiền đề phát triển cho tinh gọn. Từ mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược đến định hướng cần đảm bảo lô gic, thống nhất. Đối với nội dung lấn biển, xây dựng sân bay cần củng cố thêm lập luận, vẽ theo hướng mở, không nên chi tiết. Bên cạnh đó, nhóm cần hoàn thiện đề tài theo đóng góp ý kiến của thành viên hội đồng và các chuyên gia phản biện.
Quang cảnh chung