VIUP tổ chức Hội đồng KHKT cấp Viện góp ý đồ án “Điều chỉnh QHC xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”

Ngày 1/12/2022, Hội đồng KHKT VIUP đã họp góp ý đồ án “Điều chỉnh QHC xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội đồng do TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Viện trưởng làm Chủ tịch.

KTS Chử Đức Trung báo cáo tóm tắt đồ án

KTS Chử Đức Trung, Trung tâm QHXD2 – Chủ nhiệm đồ án thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo tóm tắt nội dung đồ án. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là 150.000 ha. Trong đó phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha (không kể phần lấn biển), phần mặt nước khoảng 80.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên; phía Nam giáp phường Ninh Hà, các xã Ninh Quang, Ninh Phú, và Ninh Vân của xã Ninh Hòa; phía Tây giáp tỉnh Phú Yên, xã Xuân Sơn huyện Vạn Ninh và các xã Ninh Sơn, Ninh Trung, Ninh Đông, Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa; phía Đông giáp biển Đông.

Mục tiêu của đồ án nhằm xây dựng khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến, nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển; Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế theo quy định và là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển của khu kinh tế theo quy hoạch được duyệt.

Dựa trên những phân tích và đánh giá về chiến lược và cấu trúc không gian tổng thể của khu kinh tế Vân Phong, bên cạnh việc tham khảo những kinh nghiệm quốc tế và trong nước, nhóm nghiên cứu đề xuất phân vùng các khu vực chức năng chính của Khu kinh tế Vân Phong như sau:

  • Đảo Hòn Lơn – Khu du lịch cao cấp: khu vực này bao gồm trọng tâm là dịch vụ du lịch cao cấp, khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch. Khu vực này tương đối biệt lập và có thể được kết nối với khu vịnh Hòn Gốm thông qua tuyến cáp treo.
  • Khu bán đảo Hòn Gốm – Khu đô thị dịch vụ du lịch, vịnh biển quốc tế: Khu vực này bao gồm trọng tâm là Cảng trung chuyển quốc tế, dịch vụ du lịch cao cấp, thương mại. Là khu đô thị cao cấp gắn với các khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, casino, công viên chuyên đề đại dương, công viên tâm linh. Ngoài ra còn một số chức năng khác như khu dịch vụ và công nghiệp Logistics, cảng du lịch…
  • Khu Bắc Vạn Ninh – Khu vực tham quan, sinh sống và vui chơi: Khu vực này có những lợi thế rất lớn về các điểm du lịch nổi tiếng như biển Đại Lãnh, đảo Điệp Sơn, dải bờ biển Tuần Lễ - Hòn Ngang và nhiều khu vực tiềm năng khác. Do yếu tố du lịch đóng vai trò quan trọng, nên những yếu tố gắn liền với du lịch sẽ được đẩy mạnh phát triển. Một vài trong số đó là mô hình ngôi nhà thứ hai – nhà nghỉ cuối tuần, bất động sản nhà vườn sinh thái, biệt thự ven biển, các khu phố thương mại du lịch, các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh cùng với các tiện ích đô thị như ngân hàng, tài chính…
  • Khu Nam Vạn Ninh – Nông, lâm, thủy sản và khu nghiên cứu công nghệ cao: Đây là khu vực duy nhất của Vân Phong hội tụ đủ các yếu tố về nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản nên trong giai đoạn trung và dài hạn có thể định hướng phát triển các ngành như khu nghiên cứu công nghệ cao về nông nghiệp, thủy hải sản, và các ngành công nghiệp sạch khác, các ngành du lịch tận dụng cảnh quan ven núi, hướng biển…
  • Khu Bắc Ninh Hòa – Khu cửa ngõ, dân cư và công nghiệp: Phía Đông của khu vực Bắc Ninh Hòa được định hướng phát triển các hoạt động bán lẻ, và khu vực ăn uống chính cho vùng, một số khu du lịch, khu dân cư cho người lao động sản xuất và dịch vụ. Phía Tây định hướng phát triển bổ sung các khu công nghiệp, sản xuất, tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghiệp sạch. Phía Tây còn một vai trò quan trọng nữa đó là khu vực cửa ngõ phía Nam của Khu kinh tế Vân Phong nên việc tập trung phát triển khu vực này cho phù hợp với đặc điểm và vai trò là rất quan trọng đối với sự phát triển của Khu kinh tế Vân Phong
  • Khu Nam Ninh Hòa – Cảng tổng hợp, hậu cần cảng, công nghiệp: Khu vực này được định hướng phát triển công nghiệp nặng, các hoạt động công nghiệp và sản xuất liên quan. Phát triển cảng tổng hợp, cảng chuyên dung và kho bãi hậu cần phục vụ cho các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, đồ án đưa ra định hướng quy hoạch sử dụng đất và các phân khu chức năng theo giai đoạn phát triển, định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị khu kinh tế Vân Phong; Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật; Đánh giá môi trường chiến lược; Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện.

Quang cảnh chung

Các thành viên hội đồng đã góp ý một số nội dung về cập nhật bổ sung rà soát đánh giá kết quả thực hiện Điều chỉnh QHC Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 được phê duyệt năm 2014; Làm rõ đánh giá hiện trạng, số liệu sử dụng đất…

Kết luận cuộc họp, Phó Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng đề nghị nhóm nghiên cứu các ý kiến của 2 thành viên phản biện và ủy viên hội đồng, chọn lọc và tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện đồ án.

 

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website