Quang cảnh chung
Tham dự hội thảo có Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Phạm Thị Thanh Hoa, các nhà quản lý từ các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng, ông Morten Pedersen - Giám đốc tổ chức tư vấn đa ngành NIRAS (Đan Mạch), đại diện UBND thành phố Vĩnh Yên, các hộ thí điểm tại thành phố Vĩnh Yên, các chuyên gia đến từ các hội nghề nghiệp như Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam..., các trường đại học, cùng nhiều chuyên gia thuộc VIUP.
PGS.TS. Lưu Đức Cường phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lưu Đức Cường - Viện trưởng VIUP cho biết tính đến tháng 12 năm 2017, trên toàn quốc có 813 đô thị. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ thống đô thị hiện nay, BĐKH, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Tuy nhiên những tác động của BĐKH, thiên tai không chỉ có nguyên nhân từ yếu tố tự nhiên mà còn bởi yếu tố chủ quan. Đó là, vấn đề BĐKH, rủi ro thiên tai hoặc chưa được cân nhắc, lồng ghép triệt để trong quy hoạch phát triển đô thị hoặc việc thực hiện quy hoạch không tốt. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các đô thị chưa được phát triển tương xứng với mức độ gia tăng dân số nên không đáp ứng nhu cầu phát triển. Phần lớn các đô thị không có hệ thống thoát nước riêng mà được sử dụng chung cho nước thải và nước mưa, đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, khi có những đợt mưa liên tục với cường độ trung bình trở lên hay triều cường thì việc ngập úng thường xuyên xảy ra.
Hiện nay, tại nhiều thành phố ở Việt Nam người dân có xu hướng tự trồng rau, hoa màu và các sản phẩm nông nghiệp khác trong khuôn viên hộ gia đình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiết kiệm chi tiêu. Xu thế này tương đồng với mô hình nông nghiệp đô thị quy mô nhỏ cũng như tạo lập được sự gắn kết cho cộng đồng địa phương dựa trên ý tưởng kết hợp với hệ thống thoát nước đã được triển khai thực tế tại Khu vực Skt. Kjelds, thành phố Copenhagen, Đan Mạch. Đây là một trong những lý do và ý tưởng để Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (IRURE) (trực thuộc VIUP) phối hợp với tổ chức tư vấn đa ngành NIRAS – Đan Mạch đề xuất dự án về “Thoát nước đô thị bền vững (SUDS) kết hợp với nông nghiệp đô thị, thí điểm tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam” và đã được Cơ quan khí hậu Bắc Âu (NCF) - thuộc Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Âu (NDF) chấp thuận tài trợ vào năm 2015. Ngày 31/3/2016 Bộ Xây dựng phê duyệt văn kiện dự án.
SUDS hoạt động dựa trên việc tận dụng chức năng của hê sinh thái tự nhiên nhằm xây dựng hệ thống thoát nước với một nguyên lý khác so với các nguyên lý thoát nước mưa truyền thống. Đó là thay vì làm thế nào để thoát nhanh nước mưa ra khỏi đô thị bằng các hệ thống kênh thẳng, cống ngầm, cống hộp thì SUDS làm chậm lại các quá trình nêu trên và đưa nước mưa phục vụ cộng đồng với những giải pháp kỹ thuật mà trong đó sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hoà cảnh quan thiên nhiên; trong đó, xử lý ô nhiễm do nguồn thải phân tán và chống ngập là những vấn đề chủ yếu và cấp bách.
Ông Nguyễn Việt Dũng đã khái quát về kết quả thực hiện dự án
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám đốc IRURE đã khái quát về kết quả thực hiện dự án. Theo đó, mục tiêu chung của dự án áp dụng hệ thống thoát nước đô thị bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị quy mô nhỏ nhằm: Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho đô thị; Giảm thiểu rủi ro, hậu quả của lũ lụt, ngập úng tới cộng đồng dân cư và các công trình hạ tầng; Tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực về ứng phó BĐKH và Hệ thống thoát nước đô thị bền vững (SUDS). Mục tiêu cụ thể gồm phân tích, thực hiện thí điểm để đánh giá, xem xét tính hiệu quả của hệ thống thoát nước đô thị bền vững đối với giảm thiểu tác động của lũ lụt, ngập úng; Xác định chủng loại cây trồng, mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp trong việc kết hợp với hệ thống thoát nước bền vững; Đánh giá hiệu quả dự án.
Các hợp phần triển khai thực hiện gồm:
- Hợp phần 1: Phân tích, đánh giá rủi ro ngập úng làm cơ sở lựa chọn thí điểm
- Hợp phần 2: Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và tài liệu về tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực
- Hợp phần 3: Xây dựng thí điểm SUDS tại thành phố Vĩnh Yên
- Hợp phần 4: Đánh giá thực hiện dự án thí điểm
Đại biểu dự hội thảo được nghe TS. Đoàn Hoàng Giang và KS Hoàng Tuấn giới thiệu về sổ tay Hướng dẫn thoát nước đô thị bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị. Trong đó đưa ra khái niệm và vai trò của nông nghiệp đô thị, mô hình nông nghiệp đô thị, kỹ thuật canh tác nông nghiệp đô thị cũng như thiết lập và vận hành hệ thống thu nước mưa, bể chứa, hệ thống bơm, hệ thống tưới và sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống.
TS. Đoàn Hoàng Giang và KS Hoàng Tuấn giới thiệu về sổ tay Hướng dẫn thoát nước đô thị bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị
Ông Bo Matthiesen - Kỹ sư môi trường có tham luận đánh giá dự án thí điểm. Ông cho rằng việc kiểm soát tại nguồn là giải pháp phù hợp cho các khu vực đã phát triển. Tuy nhiên việc tích hợp SUDS vào các tòa nhà/hộ gia đình còn gặp những thách thức trong vấn đề về không gian sẵn có cũng như cấu trúc của công trình và sự đồng thuận của các bên liên quan. Hiện chưa có quy định nào về việc triển khai SUDS nên cách tiếp cận áp dụng đồng bộ SUDS cần tích hợp vào lập quy hoạch. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ SUDS để có thể nhân rộng mô hình này.
Ông Bo Matthiesen - Kỹ sư môi trường trình bày tham luận
Trong phần thảo luận các đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa của dự án và mong muốn nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trên cả nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp thêm ý kiến về vật liệu làm bể chứa, dự toán suất đầu tư, kỹ thuật vận hành...
Phát biểu kết luận, Viện trưởng Lưu Đức Cường cho rằng sổ tay hướng dẫn cần được cấu trúc lại. Trong đó hướng dẫn kỹ về kỹ thuật canh tác để người dân đô thị có thể hiểu và thực hiện được. Phần thoát nước cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, bên cạnh đó bổ sung các bản vẽ minh họa. Sổ tay cần bổ sung thêm phần nội dung dành cho công tác quản lý. Ngoài ra, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, nhóm dự án cũng nên đưa ra kiến nghị lồng ghép SUDS vào trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ông cám ơn các đại biểu tham dự hội thảo và đóng góp ý kiến quý báu nhằm hoàn thiện nội dung Sổ tay Hướng dẫn.
Các đại biểu nêu ý kiến tại buổi hội thảo
Tài liệu hội thảo: https://drive.google.com/drive/folders/1ASDGExVg_-g80v-dHcI-KG6odAFQ7WBM