VIUP tổ chức tọa đàm trao đổi học thuật với chuyên gia Bỉ

Ngày 17/4/2019, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã tổ chức tọa đàm trao đổi học thuật với 2 chuyên gia Bỉ là GS. Bruno De Meulder và GS. Kelly Shannon đến từ trường đại học Leuven (Bỉ) về chủ đề "Quy hoạch cấu trúc chiến lược".

Tham dự tọa đàm có Viện trưởng Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Nguyễn Thành Hưng, cùng nhiều kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, chuyên gia VIUP.

GS. Bruno De Meulder giới thiệu về phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược 

Tại buổi tọa đàm, GS. Bruno De Meulder và GS. Kelly Shannon đã giới thiệu về phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược. Theo GS. Bruno De Meulder, phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược là nghiên cứu quy hoạch tổ chức không gian, ra đời từ những năm 60 và hiện nay được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trong Cộng đồng Châu Âu. Quy hoạch cấu trúc chiến lược nhấn mạnh yếu tố chiến lược. Tính chiến lược ở đây tập trung vào cái có khả năng quy hoạch thành công và xác định bộ khung quy định cho những cái ưu tiên phát triển trong quy hoạch đô thị. Khái niệm chiến lược có nghĩa là mang đến sự khác biệt, sự thay đổi sâu rộng.

Quy hoạch cấu trúc chiến lược không phải quy hoạch tất cả mọi thứ, mà chỉ tập trung vào những yếu tố mang tính cấu trúc là những yếu tố cần thiết phải tồn tại lâu dài  như những yếu tố tăng cường sự gắn kết tạo nên hình thái không gian trong đô thị, những  yếu tố đóng vai trò cho hỗ trợ cho phát triển không gian, những liên kết cần phải có nhưng còn thiếu  hoặc liên kết thúc đẩy phát triển không gian, quan trọng hơn nữa những cấu trúc quy hoạch này là những yếu tố bổ sung, liên kết những chủ thể rời rạc, đơn lẻ trong đô thị.

Quy hoạch cấu trúc chiến lược về mặt quy hoạch còn xác định khung thời gian từ các hành động trước mắt đến viễn cảnh dài hạn; Hiểu thấu và đánh giá các xu hướng đang diễn ra, đồng thời biến chúng thành các động lực phát triển.

Quy hoạch cấu trúc chiến lược gồm 3 bước diễn ra song song và luôn tương tác với nhau:

- Thứ nhất là xác định tầm nhìn, đó là mục tiêu dài hạn, viễn cảnh mong muốn

- Thứ hai là lập các kế hoạch hành động trước mắt, các dự án ưu tiên, dự án chiến lược để thực hiện mục tiêu dài hạn

- Thứ ba là sự phối hợp thực hiện của nhiều thành phần, đối tác khác nhau trong xã hội

Tiếp đó, GS. Kelly Shannon trình bày Quy hoạch cấu trúc chiến lược thành phố Antwerp, Bỉ và các dự án chiến lược cho thành phố.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Bỉ đã giới thiệu một số đồ án họ tham gia thực hiện tại Việt Nam như: Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 GS. Kelly Shannon (ngoài cùng phải) trình bày Quy hoạch cấu trúc chiến lược thành phố Antwerp

Tại phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi cùng với 2 chuyên gia Bỉ làm rõ hơn về Quy hoạch cấu trúc chiến lược như: Công cụ kiểm soát sau khi đồ án quy hoạch được lập; Sản phẩm của Quy hoạch cấu trúc chiến lược gồm những gì; Dưới Quy hoạch cấu trúc chiến lược còn quy hoạch khác không? Quy mô dự án nào thì triển khai lập thiết kế đô thị?...  Những vấn đề liên quan đã được các giáo sư giải thích cụ thể, rõ ràng.

Viện trưởng Lưu Đức Cường phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Viện trưởng Lưu Đức Cường cám ơn 2 giáo sư đã cung cấp nhiều kiến thức hữu ích cho các chuyên gia VIUP. Ông cho biết, hiện nay Bộ Xây dựng giao VIUP nghiên cứu đổi mới phương pháp luận về quy hoạch đô thị. Trong nghiên cứu này, VIUP đặt tham vọng có thể đổi mới công tác lập quy hoạch cho Việt Nam theo hướng tiệm cận với cách làm của thế giới, quy hoạch linh hoạt hơn, từng bước thoát ly cách làm quy hoạch tổng thể đã thực hiện trong hơn 6 thập kỷ qua tại Việt Nam. Một số chuyên gia của VIUP đã có cơ hội tiếp cận với phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược từ trước đây, nhưng giờ VIUP mới có cơ hội phổ biến rộng rãi, đưa thảo luận về Quy hoạch cấu trúc chiến lược gần gũi hơn và có định hướng đưa vào thực tiễn lập quy hoạch đô thị của VN. Tất nhiên, điều kiện và bối cảnh như hệ thống văn bản pháp quy, thể chế, giáo trình đào tạo tại các trường đại học và thực tiễn hành nghề quy hoạch ở Việt Nam từ lâu vẫn kế thừa cách làm quy hoạch tổng thể của Nga nên việc chuyển sang Quy hoạch cấu trúc chiến lược toàn diện là điều không thể. Do vậy, VIUP đang đề xuất phương pháp chuyển đổi từng bước, vẫn dựa trên nền tảng quy hoạch truyền thống nhưng có hơi hướng của Quy hoạch cấu trúc chiến lược. Ông nghĩ rằng Quy hoạch cấu trúc chiến lược là hướng đi đầy tiềm năng ở Việt Nam. Đó là lý do Viện mời 2 giáo sư nổi tiếng đến nói chuyện để chuyên gia VIUP hiểu rõ hơn về phương pháp này.

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website