Quang cảnh hội thảo
Tham gia hội thảo có đại diện các Bộ, Ngành Trung ương, các chuyên gia kinh tế, du lịch đầu ngành của cả nước và một số tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung, Tây Nguyên cùng hơn 300 đại biểu tham dự, trong đó có các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách, kinh tế, xây dựng thương hiệu, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật…
Tỉnh Đắk Lắk và TP.Buôn Ma Thuột tham dự hội thảo có Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại điện các sở, ban, ngành; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Buôn Ma Thuột Nguyễn Thị Tường Loan; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, xã phường và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng nhấn mạnh: “TP.Buôn Ma thuột có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, trung tâm vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật... hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới”. Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đang xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đây là công việc mới, khó, chưa có tiền lệ ở địa phương nào và là nhiệm vụ quan trọng, mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Hội thảo khoa học này mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý từ các Nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương về ý tưởng về hành phố cà phê gồm không gian kiến trúc, vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu tụ, giao dịch, phát triển kinh tế, không gian kiến trúc, bảo tồn văn hóa,… để xây dựng thành phố cà phê, là điểm đến của những người yêu mến và trải nghiệm về cà phê. Từ đó, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ cụ thể hóa những giải pháp mang tính thiết thực, chính sách có tính đột phá, đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới, một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh,... đồng thời, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày tham luận về: Thương hiệu đô thị và cách tiếp cận xây dựng thương hiệu cho thành phố Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê Thế giới của TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Các nhân tố định vị thương hiệu Buôn Ma Thuột - Thành phố cà phê Thế giới của PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn Chính phủ; Cà phê đại ngàn và du lịch của PGS.TS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đẩy mạnh cạnh tranh đô thị - xây dựng thương hiệu đô thị cho TP.Buôn Ma Thuột, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế của TS Trần Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị; Cùng kiến tạo và sống tỉnh thức vì thành phố Buôn Ma Thuột - thành phố cà phê khác biệt - đặc biệt - duy nhất trên thế giới của ông Dương Hải Đăng – Trợ lý CT HĐQT/TGĐ Tập đoàn Trung Nguyên Legend; Buôn Ma Thuột - kinh đô của cà phê của Ông Emmanuel CERISE Tiến sĩ kiến trúc, Đại diện vùng Île-de France tại Hà Nội; trưởng PRX-Việt Nam; Phát triển du lịch sinh thái gắn với thương hiệu cà phê của PGS.TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) được trình bày tại Hội thảo.
Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận, đánh giá về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia. Đặc biệt, hội thảo đi sâu thảo luận, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng hội tụ đầy đủ tiềm năng về kinh tế, văn hóa và du lịch để phát triển theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê”. Đồng thời, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích quốc gia, phù hợp với các nguồn lực và có tính khả thi cao cũng là định hướng của tỉnh và theo chủ trương của Đảng, Nhà nước tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng mong muốn, từ những ý tưởng, ý kiến đóng góp và kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước... tại hội thảo, TP. Buôn Ma Thuột sẽ nghiên cứu, cụ thể hóa, đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện, phấn đấu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố bản sắc, văn minh, hiện đại, trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên.
UBND TP.Buôn Ma Thuột ký kết hợp tác cùng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về lĩnh vực quy hoạch xây dựng trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2022 – 2025
Cũng tại hội thảo, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã ký kết hợp tác cùng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về lĩnh vực quy hoạch xây dựng trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2022 – 2025./.