Các thành viên ban Tổ chức điều hành phiên thảo luận
Hội thảo có sự tham gia trao đổi sôi nổi của hơn 150 đại biểu ở 46 đầu cầu. Có 7 báo cáo trực tiếp, 24 bài đăng trong kỷ yếu. Sự tham gia tích cực, đông đảo của nhiều chuyên gia đã cho thấy tính thời sự và bức thiết của vấn đề đưa ra.
TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo tập trung thảo luận vào các vấn đề chính sau:
Thứ nhất: Thực trạng quá trình quy hoạch,đầu tư và phát triển khu công nghiệp gắn với quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội của khu vực, của địa phương;
Thứ hai: Thực trạng về tổ chức đời sống tinh thần, vật chất của công nhân tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay;
Thứ ba: Mô hình và chính sách phát triển đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân;
Thứ tư: Một số giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.
Thảo luận tìm giải pháp tổ chức đời sống tinh thần, vật chất của công nhân tại các khu công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang lan rộng, tác động mạnh mẽ đến đời sống của công nhân.
Đây là vấn đề rất lớn liên quan đến chính sách việc làm, chính sách phát triển đô thị, chính sách phát triển khu công nghiệp ở các địa phương cũng như cả nước trong tiến trình công nghiệp hóa.
Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường tham dự hội thảo
Trong bài “Quy hoạch khu công nghiệp và nhà ở công nhân”, Viện trưởng Lưu Đức Cường cho rằng việc giải quyết bài toán nhà ở công nhân gắn với quy hoạch khu công nghiệp đã được đặt ra trong hệ thống quy định về quy hoạch xây dựng và các quy định về quản lý khu công nghiệp. Bài toán này cũng đã được giải quyết một phần trong một số loại hình khu chức năng có liên quan đến khu công nghiệp như Khu kinh tế, khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề vẫn phải tiếp tục giải quyết và giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân cần phải là một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành. Cụ thể là:
Đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: Bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.
Yêu cầu rõ trong nội dung đề xuất phát triển các khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh phải tính đến việc bố trí nhà ở cho công nhân và các thiết chế xã hội liên quan gắn với việc phát triển, phân bố hệ thống khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Làm rõ yêu cầu khi phát triển dự án khu công nghiệp cùng với việc lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải triển khai lập quy hoạch các khu vực ở cho công nhân của khu công nghiệp bao gồm hệ thống nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Làm rõ khái niệm khu chức năng trong Luật Quy hoạch vận dụng như thế nào đối với mô hình khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ, theo đó nên đưa mô hình khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ trở thành một khu chức năng hoàn chỉnh để từ đó cho phép lập quy hoạch xây dựng khu chức năng khu công công nghiệp – đô thị - dịch vụ với mục tiêu hỗ trợ cho chức năng khu công nghiệp đặc biệt về vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội cho công nhân của khu công nghiệp.
Trong khi chờ các giải pháp tổng thể, các địa phương cần rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân. Các tỉnh, thành phố khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Cùng đó, nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân cần được nâng cao chất lượng, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp. Các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.