Quang cảnh chung
Tại cuộc gặp, ông Atig Kainan Ahmed đã giới thiệu mục đích cuộc gặp mặt. Theo đó, ADPC hiện đang thực hiện dự án cấp vùng có tên gọi "Xây dựng khả năng phục hồi cho khu vực đô thị trước các vấn đề khí hậu cực đoan ở Đông Nam A" do Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ. Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2023. Mục tiêu của chương trình là Xây dựng cộng đồng có khả năng phục hồi cao tại các khu vực đô thị đồng bằng và ven biển. Tăng cường khả năng phục hồi cho các hệ thống và cộng đồng đô thị trước các hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai và tình huống khẩn cấp được dự báo ở các thành phố đồng bằng và ven biển vùng Đông Nam Á. Chương trình được triển khai tại 2 quốc gia mục tiêu: Myanmar và Việt Nam, đặc biệt tại khu vực ngoại vi Yangon của Myanmar, thành phố Nam Định và Mỹ Tho của Việt Nam, và đồng thời, tích cực thúc đẩy học tập và trao đổi với các nước khác ở châu Á và Thái Bình Dương khác thông qua các hoạt động ở cấp khu vực của dự án. Ông cũng cho biết 5 mục tiêu kết quả của dự án này. Ông nêu ra một số khả năng hợp tác mà phía VIUP có thể tham gia như cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và các kiến thức về rủi ro đối với các vấn đề khí hậu cực đoan; Tăng cường quản lý đô thị sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp; Chia sẻ tư liệu và cung cấp chuyên gia, đặc biệt là những chuyên gia thực hiện đồ án QHC thành phố Nam Định và TP Mỹ Tho; Hỗ trợ tiếp xúc với lãnh đạo tại 2 thành phố của Việt Nam nói trên cũng như mời Viện trưởng viết bài tham luận tại hội thảo khởi động vào tháng 2 tới tại Nam Định.
Viện trưởng Lưu Đức Cường và chuyên gia VIUP tại buổi tiếp đón
Chuyên gia Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC)
Tiếp đó, hai bên cùng trao đổi một số nội dung liên quan tới dự án như lý do chọn 2 thành phố thí điểm tại Việt Nam, cách tiếp cận...
Nhân dịp này, Viện trưởng VIUP đã giới thiệu sơ qua cơ cấu tổ chức, nhân sự của VIUP. Ông cho biết VIUP đã thực hiện nhiều đề tài liên quan tới biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam vấn đề lồng ghép BĐKH vào đồ án quy hoạch đã được thực hiện và là nội dung chính thức trong đồ án. Để phát huy tốt khả năng chống chịu của đô thị và ứng phó với BĐKH thì cần có quy hoạch và quy hoạch được lập sẽ xác định khu vực nguy hiểm và khu vực dân cư tập trung, như vậy sẽ giúp việc phòng chống thiên tai và chống chịu của đô thị hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Viện trưởng Lưu Đức Cường đồng ý chia sẻ tài liệu có liên quan với ADPC, cử chuyên gia về rác thải, môi trường tham gia dự án cũng như nhận lời giúp ADPC kết nối với 2 địa phương và tham dự hội thảo nói trên.
Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) được thành lập vào năm 1986, là một tổ chức liên chính phủ hoạt động nhằm tăng cường khả năng phục hồi của người dân và các tổ chức trước thảm họa và tác động của biến đổi khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương.