Thị trưởng TP Rotterdam Ahmed Aboutaleh cho rằng, để tăng cường tính chống chịu cho các đô thị, cần dự đoán và ngăn ngừa được những vấn đề đe dọa tới đô thị đó. Rotterdam là TP hóa dầu lớn trên thế giới khi tập trung nhiều “ông lớn” năng lượng như Shell, BP, Total. Do đó, ông Aboutaleh nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa chính quyền với các ngành công nghiệp trong việc ngăn ngừa các thảm họa môi trường, trong đó các công ty và chính quyền cùng đóng góp cho các hệ thống cảnh báo và ngăn ngừa. Ngoài ra, ông cũng nhắc đến vai trò lãnh đạo của TP, sự hợp tác với các tổ chức khoa học trong việc đối phó với các thảm họa như ngập lụt.
Singapore-một trong những TP xanh trên thế giới.
Người đứng đầu TP Rotterdam nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường “tính chống chịu xã hội”, tức là tính hiệu quả trong xã hội. Ông cho rằng, nếu “dư dả” ngân sách, một Thị trưởng sẵn sàng đầu tư cho hạ tầng, cầu đường để người dân có thể thấy ngay lợi ích và tăng khả năng được tái đắc cử. Tuy vậy, ông sẽ chọn cách đầu tư cho giáo dục, cho trẻ từ 4 tuổi trở lên để chúng có thêm thời gian được giáo dục hàng tuần. “Khoản đầu tư này cần 20 năm mới cho kết quả. Khi lũ trẻ được 24 tuổi, chúng ta mới thấy khoản đầu tư từ 20 năm trước có lợi như thế nào. Còn các chính trị gia thì không thể đợi ngần ấy thời gian, bởi họ cần chứng minh kết quả ngay trong vòng 2 - 4 năm để tranh cử tiếp. Điều này khiến việc nâng hiệu quả xã hội khó khăn hơn nhiều và cần tầm nhìn dài hạn” - ông Aboutaleh phân tích.
Chia sẻ ý kiến của ông Aboutaleh - Phó Thị trưởng TP Panama - bà Raisa Banfield cho rằng, “xây dựng” những công dân còn khó hơn xây dựng TP nhiều và cần sự ủng hộ của người dân cho các kế hoạch phát triển. Trình bày những thách thức của TP Panama, bà Banfield cho biết, TP này bị “kẹp” giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nằm giữa vùng rừng nhiệt đới. Trong nhiều thập kỷ, Panama coi những cánh rừng này cản trở sự phát triển, còn bây giờ chúng trở thành một phần trong chiến lược phát triển bền vững của TP. Bà cũng đề cập đến sự hợp tác quốc tế khi Panama đã nhờ Rotterdam và Singapore trợ giúp trong việc chống ngập và xây dựng bền vững.
Vai trò không thể bỏ qua của công nghệ
Để giải quyết các vấn đề của đô thị ngày nay, ngoài các giải pháp truyền thống như tăng diện tích cây xanh, mặt đường, đầu tư các hệ thống giao thông công cộng… các chuyên gia nhấn mạnh xu hướng số hóa các TP, hướng tới xây dựng các thành phố thông minh.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Siemens Jenny Bofinger-Schuster - phụ trách bền vững và đô thị cho rằng, số hóa đang trở thành xu hướng toàn cầu và đóng vai trò cốt yếu để tối ưu hóa các nguồn lực, tạo sự bền vững cho các đô thị. Để tạo sức chống chịu tốt hơn cho các TP trước sức ép về tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu, cần sự đổi mới và công nghệ mới như năng lượng xanh, tự động hóa các tòa nhà, xe tự vận hành, đỗ xe thông minh, lưới điện thông minh hay quản lý giao thông giữa các loại hình vận tải khác nhau.
Nhấn mạnh vai trò của dữ liệu đối với sự vận hành và phát triển của một TP, đại diện Siemens cho rằng, dữ liệu và số hóa sẽ giúp tối ưu cơ sở hạ tầng của một TP. Muốn vậy cần có sự kết hợp giữa các ban ngành của TP. Ví dụ, để có sự hiện đại như ngày này, Singapore đã xây cho mình một trung tâm số hóa để nghiên cứu các giải pháp công nghệ thông tin. Siemens khuyến nghị các TP sớm có kế hoạch phát triển các loại hình phương tiện giao thông có tính kết nối cao và các phương tiện có khả năng tự hành (CAV). “Tương lai của các TP của chúng ta có thể rất khác với việc áp dụng CAV, giúp định hình xu hướng tương lai trong biến đổi khí hậu, chất lượng không khí, sức khỏe cộng đồng và hơn thế nữa” - ông Pete Daw - Giám đốc Phát triển đô thị và môi trường, Trung tâm toàn cầu về năng lực cho các TP thuộc Siemens nhấn mạnh.
Theo các diễn giả tại Hội nghị, việc nắm bắt được xu hướng của các đô thị hiện nay và đưa ra các giải pháp thực tế cần các lãnh đạo TP có tầm nhìn dài hạn và sự tham gia của người dân vào quá trình quy hoạch. Có như vậy, các đô thị mới phát triển hài hòa, bền vững và đáng sống.