23 năm trước, Joshua David và Robert Hammond, cư dân thành phố New York, đề xuất ý tưởng tạo ra một công viên xanh trên một tuyến đường sắt trên cao bị bỏ hoang trong khu phố. Khi đó, họ không thể ngờ dự án này, hiện được gọi là High Line, sẽ thay đổi cách mà các thành phố trên thế giới tìm kiếm cơ hội để tạo ra không gian công cộng nhiều năm sau, theo Sactown.
Kể từ khi công viên High Line mở cửa, nhiều nhà quy hoạch đô thị từ khắp nơi trên thế giới đã tìm cách tạo ra các phiên bản công viên của riêng họ theo mô hình này.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm một tuyến đường sắt trên cao đã mục nát rõ ràng là điều không dễ dàng. Ngược lại, những khoảng trống bị bỏ hoang bên dưới các xa lộ phổ biến hơn nhiều.
Trên thực tế, những không gian phần lớn không được chú ý này có mặt ở khắp nơi, và thường bị chiếm dụng làm bãi đậu xe. Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số gia tăng và quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nhiều thành phố đang tìm ra những cách đặc biệt sáng tạo để tái xây dựng chúng.
Không gian độc đáo
Một trong những dự án nổi tiếng nhất theo mô hình này là công viên Bentway ở Toronto, Canada, không gian công cộng kéo dài khoảng 1,75 km bên dưới đường cao tốc trên cao ở trung tâm thành phố.
Khoảng không gian bên dưới đường cao tốc trải dài từ đại lộ Strachan đến phố Bathurst được tu sửa thành công viên Bentway, ở Toronto, Canada. Ảnh: Arch Daily.
Trong mùa đông đầu tiên phục vụ người dân ở Toronto, công viên Bentway đã tổ chức một sự kiện đặc biệt. Khu vực này biến thành sân trượt băng công cộng để chào đón cư dân địa phương và du khách. Vào những ngày thời tiết ấm áp, Bentway là nơi tổ chức một loạt cuộc triển lãm và biểu diễn nghệ thuật.
Tờ Toronto Star từng nhận định: “Có vẻ như (công viên Bentway) là nơi mang đến cho bạn cảm giác diệu kỳ khi bước đến vào một buổi tối mùa hè, với tiếng nhạc và đèn lồng treo dọc lối đi. (Đó là) một khu phố mới tiện nghi cho hàng nghìn người và là một điểm đến nổi bật của toàn thành phố”.
Dự án này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2015, bởi hai công ty Toronto Public Work và Greenberg Consultants, nhằm tận dụng khoảng không gian bỏ trống để tạo ra nhiều khu vực ngoài trời cho người đi bộ và người đi xe đạp, với nhiều hoạt động và sự kiện tổ chức quanh năm.
Công viên được ngăn cách bởi các trụ bê tông nâng đỡ đường cao tốc, tạo ra những khoảng không gian mang phong cách riêng.
“Điểm khởi đầu cho thiết kế của Public Work là loạt cột bê tông hỗ trợ bên dưới đường cao tốc Gardiner, chúng có thể tạo ra không gian cho nhiều loại chương trình và sự kiện khác nhau”, một tuyên bố của công ty cho biết, theo Dezeen.
Công viên Bentway trải dài từ đại lộ Strachan đến phố Bathurst, qua 7 khu phố khác nhau ở Toronto. Đây cũng là con đường dẫn đến các điểm tham quan nổi tiếng, từ Pháo đài lịch sử Fort York, công viên Ontario Place, Trung tâm triển lãm Exhibition Place đến Tháp CN.
"Cách tiếp cận mới lạ"
Công viên dưới các tuyến đường cao tốc đã trở thành một nét đặc trưng của thành phố Toronto. Bên dưới các cầu vượt trong khu phố West Don Lands của thành phố, phòng quy hoạch đô thị PFS và công ty Planning Partnership đã hợp tác thiết kế công viên Underpass như một phần trong sáng kiến tái thiết Waterfront Toronto.
Địa điểm này đã trở thành một không gian công cộng độc đáo, hoàn chỉnh với các sân bóng rổ, công trình vui chơi và bức tường in dấu các tác phẩm nghệ thuật.
Công viên Underpass là một không gian công cộng giàu tính sáng tạo nằm dưới các cầu vượt ở trung tâm thành phố Toronto, Canada. Ảnh: Asla.
Cựu Thị trưởng Toronto Rob Ford từng ca ngợi tính độc đáo và lợi ích của công trình này.
"Việc khai trương công viên Underpass là một ví dụ xuất sắc về cách chúng tôi biến không gian bị bỏ quên thành một trung tâm cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, tính độc đáo và vẻ đẹp của cộng đồng chúng tôi", Thị trưởng Rob Ford phát biểu trong buổi lễ khai trương vào năm 2012, theo Globe and Mail.
Ông John Campbell, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành sáng kiến Waterfront Toronto, cũng nhấn mạnh công viên Underpass là một ví dụ điển hình về "cách tiếp cận mới lạ đối với việc xây dựng thành phố thông minh và bền vững".
Trong khi đó, David Leinster, một kiến trúc sư chuyên về cảnh quan của Planning Partnership, cho biết không gian này được tạo ra để dân cư ở các khu vực lân cận cảm thấy dễ kết nối với nhau hơn, thay đổi diện mạo không gian bên dưới đường cao tốc và thu hút mọi người.
“Thật ngạc nhiên khi thấy công trình này trở thành hiện thực”, anh nói. "Khu vực này đã bị lãng quên, nhưng nó đang trong quá trình chuyển đổi thành một địa điểm với nhiều tính năng hỗn hợp”.
Sau Toronto, nhiều thành phố đã tiếp nối ý tưởng tân trang những "khu vực bị bỏ quên" dưới các tuyến đường cao tốc. Ở Portland, Boston và New Orleans, không gian bên dưới các xa lộ biến thành các sân trượt giữa lòng thành phố. Ở Melbourne, Australia, trụ bê tông chống đỡ các tuyến đường cũng trở thành những bức tường leo núi đầy màu sắc.