Quảng trường trung tâm Masdar dưới hệ thống các ô “hướng dương”.
Thành phố Abu Dhabi của UAE nổi tiếng thế giới với những cái nhất: To lớn nhất, hiện đại nhất, hào nhoáng nhất... Thành phố giàu có bậc nhất này là một trong những điểm đến thú vị nhất thế giới. Tuy thế, “nhà giàu” Abu Dhabi chưa bao giờ muốn dừng lại mà từ lâu đã bắt tay xây dựng các thành phố thông minh bền vững, trong đó Masdar là ví dụ tiêu biểu. Đây là thành phố thông minh bền vững đầu tiên của UAE.
Nằm cách thành phố Abu Dhabi 30km, giữa sa mạc mênh mông, Masdar vốn là một ốc đảo chỉ rộng 6km2. Từ năm 2008, UAE chính thức khởi công dự án xây dựng “Thành phố xanh” Masdar tại Abu Dhabi với 100% điện năng được cung cấp từ các nguồn tái tạo, đặt ra mục tiêu trở thành là thành phố tiết kiệm năng lượng nhất thế giới. Theo kiến trúc sư Lord Norman Foster, quốc tịch Anh, người phụ trách thiết kế đô thị tổng thể của Masdar, thành phố này được thiết kế đặc biệt để xây dựng một môi trường sống bền vững cho khoảng 40.000 cư dân, trở thành “thành phố không carbon” đầu tiên trên thế giới. Cùng với đó, theo tính toán, Masdar có thể tiếp nhận 50 nghìn khách vãng lai/ngày mà không ảnh hưởng đến cấu trúc hoạt động chung.
Các kiến trúc sư hàng đầu thế giới được huy động vào việc quy hoạch, thiết kế đã tạo ra những công trình độc đáo của một thành phố “chưa từng có”. Để theo dõi và ghi lại nhằm giám sát những thay đổi trong quá trình xây dựng Masdar, một nhóm chuyên gia được giao nhiệm vụ đặc trách tất cả các vấn đề về việc sử dụng nguyên vật liệu và tái sử dụng. Công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp thay thế được triển khai đồng bộ để thành phố chỉ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo tiêu chí của “Tầm nhìn 2021” và dự án “Sáng kiến Masdar” về xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, quan tâm bảo vệ môi trường, các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Masdar được bố trí một cách khoa học và hiệu quả. Vị trí đặt “trái tim” của thành phố là một nhà máy nhiệt điện, cùng với đó là nhà máy xử lý nước thải, trung tâm tái chế, trang trại năng lượng mặt trời, giếng khoan địa chất và hệ thống cây xanh... đều tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch. Tất cả các dữ liệu về cơ sở hạ tầng, mạng lưới vận tải, ống dẫn khí, lưới điện thông minh, mạng lưới nước sạch, thậm chí cả nước thải đã xử lý... đều được kết nối với nhau, giúp tiết kiệm chi phí bảo hành, sửa chữa.
Nhờ việc kết hợp tái chế, tái sử dụng và sử dụng công nghệ đột phá về năng lượng, Masdar đã dần đạt được các mục tiêu đề ra. Có thể so sánh: Mức tiêu thụ điện năng cao nhất ở Masdar chỉ là 200 megawatt/ngày thay vì mức phổ biến của các thành phố thông thường có cùng quy mô là 800 megawatt/ngày. Mức tiêu thụ nước ngọt (từ nước biển được khử muối) chỉ còn 8.000m3/ngày so với mức bình quân là 20.000m3/ngày... Một số ưu điểm vượt trội nữa là giảm được hàng triệu mét vuông đất làm bãi chôn lấp rác thải; chỉ dùng nước xám để tưới cây trồng trong thành phố...
Không chỉ tiêu tốn ít năng lượng hơn, thành phố thông minh Masdar còn loại bỏ phần lớn lượng khí thải CO2 bằng cách sử dụng một hệ thống máy tính hiện đại nhất. Nhờ đó, các nguồn tài nguyên được tái sử dụng tối đa và lượng carbon được cân bằng một cách tổng thể, giúp tiết kiệm tối đa cả tài nguyên và năng lượng. Các tòa nhà được bố trí thích hợp để luôn hút gió và không khí luôn thông thoáng, làm cho nhiệt độ mùa hè ở Masdar giảm khoảng 200C so với vùng sa mạc cát ở xung quanh.
Rất nhiều du khách quốc tế đến thăm Masdar cảm thấy choáng ngợp, khó có thể tưởng tượng con người có thể sáng tạo những công trình như thế. Kiến trúc sư Lord Norman Foster khẳng định: “Việc xây dựng thành công thành phố thông minh Masdar cho thấy, mô hình thành phố thông minh không còn là ước mơ mà đã trở thành hiện thực. Đến nay, chúng tôi đã đạt được tiêu chí của “Tầm nhìn 2021” là: Chất lượng môi trường sống và làm việc cao với những tiêu chí ảnh hưởng đến sinh thái thấp nhất có thể. Tới đây, còn phải hướng tới việc đưa phát thải carbon tiệm cận số không (zero carbon). Thành phố thông minh Masdar sẽ tiếp tục hoàn thiện để xứng đáng là hình mẫu của các thành phố thông minh trong tương lai”.
Tiểu vương Khalifa bin Zayed Al Nahyan, Chủ tịch Quỹ Phát triển Abu Dhabi, khẳng định: Thành phố sẽ tiếp tục được đầu tư toàn diện để duy trì vai trò dẫn dắt, gợi ý đường hướng phát triển các thành phố thông minh. Chính quyền Abu Dhabi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện cam kết trong việc phát triển năng lượng tái tạo để giữ vững vị thế “cánh chim đầu đàn” trong ngành năng lượng thế giới. Việc đầu tư xây dựng “Thành phố không carbon Masdar” là một trong những nội dung cốt lõi của cam kết đó. Masdar đang đi đầu trong việc thực hiện giải pháp tốt nhất hiện nay là thương mại hóa những công nghệ năng lượng sạch để mọi quốc gia có thể tiếp cận và áp dụng. Từ đó, các quốc gia sẽ tăng cường hợp tác toàn cầu, tham gia ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng việc sử dụng năng lượng tái tạo để có thể phát triển bền vững.