Hội đồng Pritzker đã ca ngợi tầm nhìn tư duy tiến bộ, sự gắn kết sâu sắc với “nghệ thuật không gian” và phương pháp xuyên quốc gia của KTS Arata Isozaki. Điều này đã được chứng minh từ những năm 1960. KTS tài ba cũng được ghi nhận là người tạo điều kiện cho sự giao lưu kiến trúc Đông và Tây, diễn giải lại những ảnh hưởng toàn cầu trong kiến trúc và hỗ trợ sự phát triển của thế hệ kiến trúc sư trẻ.
Arata Isozaki sinh ra ở đảo Kyushu, Ōita, vào năm 1931. Vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 ở thành phố Hiroshima gần đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi thơ của ông. “Tôi đã lớn lên trên mặt đất trống. Đó là một đống đổ nát, không có kiến trúc, không có các tòa nhà và thậm chí không có thành phố. Chỉ có các doanh trại và nơi trú ẩn xung quanh tôi. Vì vậy, trải nghiệm đầu tiên của tôi về kiến trúc là khoảng trống và tôi bắt đầu tự hỏi làm thế nào mọi người có thể xây dựng lại nhà cửa và thành phố,” ông nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Đại học Tokyo năm 1954, Isozaki đã thiết kế các tòa nhà ở quê nhà: Ōita Medical Hall và Thư viện quận Ōita. Cả hai đều chịu ảnh hưởng lớn từ chủ nghĩa Thô mộc châu Âu. Isozaki tiếp tục hợp nhất ý tưởng này với những ý tưởng từ phong trào chuyển hóa sau chiến tranh của Nhật Bản, trong đó các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ thực vật, đại dương và tăng trưởng sinh học hữu cơ.
Thư viện quận Oita
Lần đầu tiên Arata Isozaki làm dậy sóng giới kiến trúc với dự án vị lai năm 1962: Thành phố trên không (City in Air), trong đó quận Shinjuku của Tokyo được xây dựng lại thành một đô thị mới lơ lửng phía trên các công trình cũ, dựa trên các cấu trúc dạng cây.
Mặc dù chưa từng được xây dựng, dự án đã mở đầu cho những thiết kế nổi tiếng sau này của Arata Isozaki: Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại bằng sa thạch đỏ ở Los Angeles, Tháp nghệ thuật Mito bằng kim loại xoắn ở Ibaraki (Nhật Bản) và Palau Sant Jordi, một đấu trường thể thao sức chứa 17,000 người được thiết kế cho Thế vận hội Olympic mùa hè 1992 ở Barcelona, nằm một phần dưới mặt đất để tập trung sự chú ý vào những ngọn đồi xung quanh.
Tháp Nghệ thuật Mito
Palau Sain Jordi
“Tôi muốn nhìn thế giới qua đôi mắt của chính mình, vì vậy tôi đã đi vòng quanh địa cầu ít nhất mười lần trước khi bước qua tuổi 30. Tôi muốn cảm nhận cuộc sống của người dân ở những nơi khác nhau, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở thế giới Hồi giáo, những ngôi làng trong núi sâu ở Trung Quốc, Đông Nam Á và các thành phố thù phủ ở Hoa Kỳ. Tôi cố gắng tìm mọi cơ hội để thực hiện những điều đó, và trên hết tôi tiếp tục đặt câu hỏi “Kiến trúc là gì?”. Arata Isozaki nói.
Các công trình của Arata Isozaki đều có hình khối đơn giản nhưng chứa đựng lý thuyết và mục đích riêng. Ông là người tiếp cận tiên phong tới hình dạng lỏng, điều chỉnh nó để đáp ứng nhu cầu và ảnh hưởng của từng môi trường khác nhau thông qua concept liên kết thời gian và hình thức gọi là ‘ma’. Kết nối tinh tế giữa tính phổ quát toàn cầu và bản sắc địa phương được thể hiện rõ qua các giải pháp đa văn hóa, phản ánh sự nhạy cảm sâu sắc của ông với các đề bài cụ thể theo bối cảnh, môi trường và xã hội.
Cho tới nay, ở tuổi 87, Isozaki vẫn không có dấu hiệu chậm lại. Sau trận sóng thần năm 2011 tàn phá nhiều khu vực ở Nhật Bản, ông cùng với Anish Kapoor đã tạo ra Ark Nova, một phòng hòa nhạc bơm hơi có thể di chuyển đến các vùng bị ảnh hưởng. Gần đây, ông đã thiết kế Nhà hát Giao hưởng Thượng Hải ở Trung Quốc và Tháp Allianz ở Milan (hợp tác với kiến trúc sư người Ý Andrea Maffei).
Ark Nova
Tháp Allianz
Trích phát biểu của hội đồng giải thưởng Pritzker 2019: “Arata Isozaki sở hữu kiến thức sâu sắc về lịch sử, lý thuyết kiến trúc và luôn là người tiên phong. Ông không bao giờ chỉ sao chép hiện trạng mà luôn tìm kiếm ý nghĩa của kiến trúc. Điều đó được phản ánh rõ ràng trong các công trình của ông cho đến ngày nay, bất chấp các phân loại phong cách, không ngừng phát triển và luôn luôn mới mẻ trong cách tiếp cận.”
“Isozaki là một trong những kiến trúc sư Nhật Bản đầu tiên thiết kế các công trình bên ngoài nước Nhật trong thời kỳ các nền văn minh phương Tây truyền thống ảnh hưởng đến phương Đông, làm cho kiến trúc của ông – chịu chi phối đặc biệt bởi sự giao hòa trong con người ông – thực sự là kiến trúc quốc tế. Trong một thế giới hội nhập, kiến trúc cần sự giao tiếp đó,” Tom Pritzker, chủ tịch của Quỹ HYATT nói thêm.
Arata Isozaki là người đoạt giải Pritzker lần 46 và là người Nhật Bản thứ 8 nhận vinh dự này. Lễ trao giải pritzker 2019 sẽ diễn ra tại Pháp vào tháng 5 tới.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia Qatar
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles
D38 Office
Trung tâm Tsukuba