Tắc nghẽn giao thông tại Ấn Độ.
Trong năm 2014, có 28 siêu đô thị trên khắp thế giới, bao gồm Sao Paulo (Brazin), đến Lagos (Nigeria), London (Vương quốc Anh), rồi Thượng Hải (Trung Quốc) và tất cả các khu vực lớn trên thế giới (ngoại trừ châu Đại Dương), đều được đánh dấu bằng các siêu đô thị. Theo Liên Hợp quốc, dân số thế giới hiện tại là 7,7 tỷ người, dự kiến sẽ đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030; 9,7 tỷ người vào năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100. Trong khi đó, siêu đô thị có thể khiến tăng thêm 2,5 tỷ người nữa đến các khu vực đô thị vào năm 2050.
Siêu đô thị thường gắn liền với kinh tế, tăng cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn và giàu có hơn. Tất cả những điều đó như “lực nam châm” hút mọi người đổ về thành phố. Trong một thời gian dài, đó là những yếu tố giúp các thành phố phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một sự thay đổi từ xã hội dựa vào nông nghiệp sang xã hội dựa vào công nghiệp. Do đó, về mặt địa lý, đô thị trở thành trung tâm xã hội. Song, bên cạnh đó, siêu đô thị cũng gây nên những hệ lụy nguy hiểm như:
Hạ tầng quá tải
Nhiều khu đô thị trẻ hơn ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, có triển vọng hoàn toàn khác với các đô thị lâu đời ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Những yêu cầu về giao thông công cộng, hệ thống cống thoát nước, bệnh viện, trường học và nhà ở cần được lên kế hoạch và xây dựng cùng với sự gia tăng về dân số. Sự tăng trưởng quá nhanh chóng, đặc biệt là ở một quốc gia gặp khó khăn về kinh tế, dẫn đến nguy cơ các cơ sở hạ tầng không được mở rộng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu không có cơ sở hạ tầng tại chỗ để cung cấp các nhu cầu cơ bản, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như ách tắc giao thông, ngập lụt như lịch sử đã chứng minh ở các siêu đô thị như Dhaka của Bangladesh, Delhi, Ấn Độ, Sao Paulo, Brazil…
Sự gia tăng các khu ổ chuột
Do nền kinh tế còn nghèo và cơ sở hạ tầng yếu kém, các thành phố lớn như Mumbai (Ấn Độ) không có phương tiện để hỗ trợ cư dân đô thị đông đúc. Mumbai được xếp hạng là thành phố lớn thứ tư trên thế giới, với hơn 20 triệu người trong toàn bộ khu vực đô thị. Tuy nhiên, hơn một nửa dân số của Mumbai đang phải sống trong các khu ổ chuột xung quanh thành phố, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng, môi trường và sử dụng đất.
Cư dân khu ổ chuột tồn tại với thực tế không bảo đảm vệ sinh, không có nước, tiện nghi đô thị, việc làm, hoặc an ninh. Và gần một phần sáu dân số thế giới phải sống trong những điều kiện như thế. Việc thiếu nước, không đảm bảo vệ sinh, cộng với suy dinh dưỡng và nhà ở không đầy đủ, dẫn đến tình trạng dịch bệnh gây chết người trong các khu ổ chuột ở Mumbai, cũng như tại các khu ổ chuột bao quanh nhiều thành phố ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Sự lây lan của dịch bệnh với tốc độ chóng mặt
Sự lây lan của HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác ở những nơi có nhiều người sống gần nhau như vậy là một vấn đề về sức khỏe cộng đồng rất đáng được quan tâm đối với các khu vực đô thị đang phát triển trên toàn thế giới. Vấn đề về sức khỏe cộng đồng kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp cao, hệ thống trường học không đầy đủ tạo ra chất lượng sống kém cho nhiều cư dân của thành phố.
Gần đây, dịch bệnh Covid -19 càng chứng minh rõ về sự nguy hiểm của siêu đô thị. Hầu hết dịch bệnh phát triển nhất nằm ở các đô thị lớn. Những con số chết chóc hàng ngày trên báo đài luôn làm người ta kinh hãi. Chính vì vậy, chính phủ nhiều quốc gia đang có chính sách khuyến khích người dân dịch chuyển về nông thôn để giảm tải cho các siêu đô thị.
Phân hóa xã hội ngày càng lớn
Một số siêu đô thị giàu hơn khi phát triển, nhưng cũng có những siêu đô thị nghèo hơn. Do đó, bất bình đẳng thu nhập sẽ tăng lên. Vào năm 2030, GDP bình quân đầu người ở các siêu đô thị những nước phát triển sẽ lớn hơn 4 lần so với nước đang phát triển. Một số siêu đô thị có cơ hội đầu tư và việc làm cao hơn, đó là lý do tại sao có sự chuyển đổi dần dần về nơi cư trú từ ngoại ô và nông thôn đến các siêu đô thị. Kết quả là cuộc sống ở siêu đô thị có nhiều bất cập về sự phân hóa xã hội.
Khi mục tiêu chính của việc xây dựng siêu đô thị là cung cấp các lựa chọn nhà ở mới và cơ hội việc làm mới cho các thành phố cũ, thì cuối cùng mục tiêu này đã không đạt được. Hầu hết các thành phố mới được xây dựng không dành cho người nghèo cũng không phải của những cư dân trung lưu. Vì vậy, thay vì cung cấp các cơ hội có thể giúp ích cho tầng lớp nghèo khó, các thành phố mới đã mở rộng sự khác biệt giữa những thành phần xã hội. Nhiều nhà đầu tư đã có sẵn tiền thì nắm bắt cơ hội hơn, vì thế có người giàu lại càng giàu và người nghèo lại càng khốn khó. Cùng sống trong một siêu đô thị nhưng có sự khác xa trong lối sống, có nhóm người xa hoa và cũng có nhóm người vô gia cư.