Ở vùng sa mạc cách trung tâm Cairo khoảng 64 km về phía đông, một thủ đô mới rộng lớn đang thành hình với những tòa nhà chọc trời, khu dân cư sang trọng và khu mua sắm. Điều đó phản ánh tầm nhìn của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi về một đất nước Ai Cập hiện đại.
Tuy nhiên, điều khó khăn hiện tại là đưa người dân đến sống và làm việc ở đó.
Ai Cập đang hướng tới việc thu hút hơn 6 triệu người đến khu vực sẽ là thủ đô mới này. Dự án này phải mất tới nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, chính phủ đã có kế hoạch bắt đầu chuyển 40.000 công chức vào một quận đã hoàn thành.
Thành phố này được gọi là thủ đô hành chính mới, ước tính trị giá hàng chục tỷ USD. Nó là miếng ghép trung tâm trong kế hoạch của ông Sisi nhằm biến Ai Cập thành quốc gia hiện đại, bên cạnh các dự án cơ sở hạ tầng khác như mở rộng kênh Suez, mạng lưới đường giao thông mới toàn quốc...
Những dự án lớn
Ông Sisi đang theo đuổi những dự án này - ước tính cần tới chi phí hàng trăm tỷ USD - bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Ai Cập, theo công ty nghiên cứu Anh Oxford Economics.
Trọng tâm trong kế hoạch của ông Sisi về siêu đô thị mới ở rìa thủ đô Cairo là việc chuyển cơ quan chính phủ ra khỏi các quận gần sông Nile. Nguyên nhân là các tòa nhà cổ ở những quận này hiện trong tình trạng đổ nát, giao thông tắc nghẽn và dân cư đông đúc.
Khu hành chính của thủ đô mới có nhiều dãy tòa nhà gợi lên kiến trúc Ai Cập cổ đại.
Dự án này thật sự được bắt đầu vào năm 2015, khi chính quyền Ai Cập liên hệ với giới chức ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất để xin khuyến nghị về việc xây dựng và rót kinh phí cho thành phố mới.
Ông Sisi công bố mô hình đầu tiên cho thủ đô mới cùng với Mohamed Alabbar, nhà phát triển tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai. Theo Ayman Ismail, Chủ tịch sáng lập của tổ chức xây dựng thủ đô mới, mối quan hệ hợp tác đó nhanh chóng tan vỡ do bất đồng về các điều khoản tài chính.
Bảng quảng cáo có hình Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi tại một công trường xây dựng ở thủ đô hành chính mới. (Ảnh: Shutterstock)
Quân đội Ai Cập sau đó phụ trách dự án trên. Các nhà phát triển bất động sản địa phương đưa ra bản thiết kế mới với đặc điểm ít thân thiện với người đi bộ hơn, các khu vực chính phủ, doanh nghiệp và khu dân cư tách biệt.
Thủ đô mới cũng được cho là sẽ bao gồm công viên chạy bộ dài hơn 32 km, sân bay và các trường đại học riêng. Khu dành cho doanh nghiệp sẽ có vài tòa nhà chọc trời, trong đó có tòa nhà cao nhất lục địa châu Phi.
Từ lối vào của thành phố, người ta có thể nhìn thấy tòa tháp đang được xây dựng dở dang ở phía xa. Trong một khu tài chính riêng biệt, các tòa nhà dành cho Ngân hàng Trung ương Ai Cập và các tổ chức ngân hàng nhà nước khác vẫn nằm trên những khu đất chưa trải nhựa.
“Chính phủ xây dựng thủ đô mới để nói rằng chúng tôi có quốc gia hiện đại và giống Dubai. Trên thực tế, đó là dự án để khoe những tòa nhà chọc trời, hơn là giải quyết nhu cầu thực sự của đất nước”, Sameh El Alayli, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Cairo, cho biết.
Ông Ismail cho biết dân số của thành phố sẽ phụ thuộc vào tốc độ thu hút các doanh nghiệp. Ông tin rằng cả vị trí gần kênh đào Suez và thiết kế có trật tự của khu hành chính này sẽ giúp tăng cường hiệu quả công việc tại thành phố. “Dự án này rất quan trọng đối với đất nước”, ông nói.
Trong lĩnh vực tài chính, nhân viên ngân hàng và các công ty quản lý tài sản cho biết việc di chuyển lượng lớn nhân sự đến thủ đô mới sẽ mất nhiều năm.
"Bị ném vào nơi vô định"
Giới chức Ai Cập đang cố gắng thuyết phục đại sứ quán các nước mua đất trong khu ngoại giao mới. Trong khi đó, một số nhà ngoại giao nước ngoài cho biết họ muốn thấy các bộ, ban, ngành của chính phủ Ai Cập di chuyển đến đó trước.
David Sims, nhà quy hoạch đô thị ở Cairo, cho biết ông hoài nghi về mức độ hấp dẫn của thành phố đối với người dân Ai Cập phổ thông.
Một khu căn hộ ở thủ đô mới của Ai Cập. (Ảnh: Bloomberg)
Nhà ở tại thành phố này đang được bán với giá rất đắt đỏ. Một căn hộ hai phòng ngủ ở thủ đô mới có giá khoảng 50.000 USD - khoản tiền ngoài tầm với của nhiều người dân tại đất nước có GDP bình quân đầu người khoảng 3.000 USD, theo Al Jazeera.
Do đó, thủ đô hành chính mới dường như sẽ phục vụ cộng đồng người giàu có, và cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của người nghèo ở Cairo.
Trường học, bệnh viện và nhà hàng ở thành phố mới vẫn chưa hoàn thành. Hầu hết người Ai Cập nghèo khó không có đủ khả năng chi trả các dịch vụ này.
“Tôi đang bị ném vào nơi vô định”, Ahmed Salah, 36 tuổi, quan chức của Bộ Thanh niên và Thể thao Ai Cập, cho biết. Ông mất 2,5 tiếng để đi từ nhà ở trung tâm Cairo đến thành phố mới. Ông Salah và vợ, cũng là một công chức, không hy vọng đủ khả năng mua nhà ở tân thủ đô.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút hàng tỷ USD đầu tư khỏi Ai Cập, khiến nước này thiếu USD để nhập khẩu hàng hóa và đồng bảng Ai Cập sụt giảm. Điều đó xảy ra giữa lúc đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine đẩy giá hàng hóa và thực phẩm trên toàn cầu tăng cao.
Tình thế đó buộc các nhà chức trách phải tìm kiếm các phao cứu sinh tài chính từ UAE, Saudi Arabia, Kuwait và Qatar, cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng chính phủ Ai Cập còn nhiều khoản nợ sắp đến hạn và có thể sẽ phải huy động thêm tiền.
Chỉ trong 6 năm qua, IMF đã cho Ai Cập vay 3 lần với tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD, ngay cả khi dòng viện trợ của Mỹ vẫn liên tục chảy vào.
Năm 2015, truyền thông nhà nước Ai Cập đưa tin rằng thủ đô mới sẽ tiêu tốn tổng cộng 45 tỷ USD. Trong một cuộc phỏng vấn, Khaled Abbas, Chủ tịch cơ quan điều hành thủ đô mới, dự kiến số tiền cuối cùng sẽ vượt ước tính đó.
“Không ai có thể dự đoán chi phí cuối cùng cho thủ đô mới. Tôi chắc chắn rằng nó sẽ vượt quá 45 tỷ USD. Con số đó thay đổi hàng ngày”, ông nói.
Các nhà kinh tế cảnh báo Ai Cập là một trong số ít quốc gia có nguy cơ vỡ nợ. Ngay cả những người ủng hộ ông Sisi cũng đang lo lắng về “nỗi đau kinh tế” trong tương lai.