Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định tiếp tục theo sát Bình Dương để cùng địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều khó khăn
Ông Phạm Trọng Ninh – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết: Tính đến hết tháng 3, tỉnh thu hút gần 15.600 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước (giảm 22,4% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 61.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 646 nghìn tỷ đồng. Nguồn đầu tư nước ngoài thu hút hơn 723 triệu đô la Mỹ (giảm 69% so với cùng kỳ), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,9 tỷ đô la Mỹ.
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh, mặc dù doanh nghiệp và địa phương đã chủ động cải tiến các phương thức tiếp cận, kinh doanh.
Các khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đạt 39 triệu đô la Mỹ (chiếm 9% cả tỉnh), cho thuê được 4,2ha đất. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 881 triệu đô la Mỹ; doanh thu đạt 9,3 tỷ đô la Mỹ; xuất khẩu đạt 5,3 tỷ đô la Mỹ (chiếm 72,6% cả tỉnh).
Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp. Do đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 23,01%; kim ngạch nhập khẩu ước giảm 15,97%.
Bên cạnh những nỗ lực chủ động tháo gỡ khó khăn, hiện nay tại tỉnh Bình Dương còn vướng mắc 4 nhóm khó khăn thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng; chính sách tín dụng; thị trường và nguồn lao động.
Cụ thể, khi thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng tỉnh Bình Dương đã gặp những khó khăn về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; thủ tục đầu tư xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; công tác phòng cháy chữa cháy.
Về chính sách tín dụng, tỉnh Bình Dương cho biết: Lãi suất vay vốn tăng cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn, do doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo. Việc vay tín chấp trên phương án kinh doanh lại càng khó khăn, do chỉ có những doanh nghiệp lớn, có quan hệ tốt mới tiếp cận được. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng không có được phương án kinh doanh tốt do không có đơn hàng xuất khẩu.
Đề xuất
Trước thực tiễn và khó khăn của mình, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bình Dương áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính cho các khu đất có giá trị trên 20 tỷ; có giải pháp thu hút được những đơn vị có chức năng thẩm định giá tham gia tư vấn giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thực hiện thu ngân sách; cần sửa đổi các chính sách về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương kiến nghị các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công, nhất là các định mức, chi phí để làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư, dự án không có cấu phần xây dựng, dự án giải phóng mặt bằng để có cơ sở tổ chức thực hiện.
Với chính sách tín dụng, tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp nợ, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ 3 – 6 tháng để doanh nghiệp có vốn để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm để chăm lo, giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách giãn nộp thuế và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023.
Đề nghị ngân hàng Nhà nước xem xét cho các doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ tương tự như Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được dòng vốn, đảm bảo hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn và cũng không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng, ngân hàng Nhà nước, các quỹ tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giảm lãi suất để doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ.
Để mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng, tỉnh Bình Dương đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành tổ chức thêm nhiều chương trình thương mại, kết nối các đơn vị quốc tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm nguồn khách hàng; tăng cường nguồn vốn thực hiện hỗ trợ về khuyến công như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Giải pháp
Trước những đề xuất của tỉnh Bình Dương và ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành trong đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của tỉnh trong thời gian qua và đưa ra các giải pháp cho từng vấn đề.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bình Dương cần rà soát những vướng mắc trong ba “trụ cột” là đầu tư (đặc biệt đầu tư công), xuất khẩu và tiêu dùng. Trong thời gian tới, Bình Dương cần rà soát những vướng mắc trong ba lĩnh vực này như: Biện pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… Trong đó, cần tập trung thu hút đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm biện pháp thúc đẩy mức tiêu dùng hàng nội địa.
Trong lĩnh vực xây dựng, Bình Dương cần thúc đẩy và quản lý quy hoạch. Theo đó, Bình Dương cần rà soát các cấp độ quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung kịp thời để thống nhất và đồng bộ làm cơ sở thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Dương cần lập quy hoạch không gian ngầm.
Vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, Bình Dương cần phát huy thế mạnh, kinh nghiệm để thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và tham gia gói tín dụng 1200 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Những vấn đề vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội do Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị, Bộ Xây dựng tiếp nhận để trình Quốc hội để có cơ sở tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng.
Với thị trường bất động sản, Bình Dương cần bám sát Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững để tìm ra hướng tháo gỡ những khó khăn trong thẩm quyền của tỉnh.
Những khó khăn chung như: Ách tắc trong xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng bất động sản, áp dụng hệ số đất, định mức chi phí dự án, chính sách tín dụng… gây ùn tắc trong quá trình đầu tư, xây dựng, Tổ công tác sẽ báo cáo chi tiết lên Thủ tướng để tìm cách tháo gỡ.
Đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh thúc đẩy các thủ tục đầu tư, Tổ công tác và Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với tỉnh để triển khai dự án. Tổ công tác của Chính phủ sẽ tiếp tục theo sát địa phương để nắm bắt những vướng mắc trong quá trình thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới cũng như đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm việc tại tỉnh Đồng Nai.
Sáng 12/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu đã làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Buổi làm việc tập trung vào tháo gỡ các khó khăn vướng mắc những tồn tại để thúc đẩy phát triển kinh tế tại Đồng Nai.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tin tưởng Đồng Nai sẽ vượt qua khó khăn để tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới
Tham gia buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành làm việc với Đoàn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã thẳng thắn đưa ra những khó khăn, tồn tại trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu. Theo đó, tại lĩnh vực đầu tư, xây dựng, Đồng Nai đang gặp những vướng mắc trong thủ tục giao đất, thuê đất, xác định tiền sử dụng đất; chuyển nhượng dự án bất động sản có yếu tố nước ngoài; một số quy chế về nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp đã gây khó khăn cho doanh nghiệp; những khó khăn về thủ tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Tổ công tác hướng dẫn tháo gỡ khó khăn các vấn đề trong thủ tục đầu tư như: Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tại định cư; công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; công tác phòng cháy chữa cháy.
Tỉnh Đồng Nai cũng quan tâm đến các vấn đề quy hoạch bởi trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều dự án lớn đang gặp khó khăn do bất cập của các đồ án quy hoạch như Đồ án quy hoạch chung thành phố Biên Hoà. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tưởng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, cũng như các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh (dự án an ninh, giao thông), cụ thể tại một số vị trí: Có các dự án của Công ty Nova tại xã Long Hưng, phường Tam Phước (thuộc phân khu C4); 2 vị trí dự kiến bố trí tái định cư tại phường Bửu Long để phục vụ dự án giao thông trọng điểm trên địa bản thành phố Biên Hòa; 1 vị trí dự kiến bố trí trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Nai tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Sau khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng để thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu C4, làm cơ sở xem xét xử lý các vướng mắc của các dự án trong phân khu này (trong đó có các dự án của Công ty Nova).
Với những vấn đề tồn tại trên, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp theo hướng nhà ở xã hội không thu tiền sử dụng đất (hiện nay vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất); bỏ quy định dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Nghiên cứu, điều chỉnh quy định về thẩm định giá bán. cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Bổ sung đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; các đối tượng “hộ gia đình có thu nhập thấp tại khu vực nông thôn" được mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội....
Tỉnh Đồng Nai còn kiến nghị sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng bổ sung thêm đối tượng là các doanh nghiệp được phép mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để dành cho công nhân mình được thuê lại, mở “nút thắt” trong việc công nhân có nhu cầu về nhà ở cần phải trực tiếp đi làm các thủ tục có liên quan để được xét duyệt đối tượng. Đồng thời, xem xét giảm tiêu chí về nhà ở, đất ở đối với các đối tượng công nhân trong việc mua, thuê mua nhà ở xã hội (công nhân làm xa đã có nhà, đất ở quê vẫn có thể được mua, thuê mua được nhà ở xã hội gần chỗ làm để yên tâm lao động, sản xuất).
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn kiến nghị Chính phủ sớm thành lập các Khu công nghiệp Bàu Cạn -Tân Hiệp, Khu công nghiệp Long Đức 3, Khu công nghiệp Xuân Quế Sông Nhạn. Sớm đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành. Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ tập trung đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách tín dụng (khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, tái cho vay lại để sản xuất kinh doanh,...).
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của tỉnh Đồng Nai, đại diện các Bộ, ngành trong Tổ công tác của Chính phủ chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại gây khó khăn cho Đồng Nai và đưa ra những giải pháp phù hợp. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ủng hộ nhiều đề xuất của tỉnh Đồng Nai như phát triển công nghiệp, đầu tư tuyến đường sắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…
Bộ trưởng cũng khẳng định: Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn, nếu tỉnh tăng trưởng thấp thì cả nước cũng khó khăn. Vì vậy, Đồng Nai cần tiếp tục phát huy thế mạnh các ngành nghề truyền thống và mở rộng thị trường, quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư xã hội. Đặc biệt, Đồng Nai cần chú trọng đến công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đảm bảo tính đồng bộ và chất lượng, có tầm nhìn để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư và đặc biệt cập nhật quy hoạch không gian ngầm.
Với những kiến nghị vượt thẩm quyền của Đoàn công tác, Bộ trưởng yêu cầu đại diện các Bộ, ngành tham gia buổi làm việc tổng hợp để báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm việc tại tỉnh Tiền Giang
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Tiền Giang có mức tăng trưởng tích cực khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn
Trong chương trình làm việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 12/5, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu đã đến làm việc tại tỉnh Tiền Giang.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hà Thiện Ý – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang có 281 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 33,9% so với kế hoạch (giảm 17,1% về số doanh nghiệp so cùng kỳ). Nguyên nhân số doanh nghiệp đăng ký mới giảm là do trong năm 2022 số doanh nghiệp đăng ký mới tăng đột biết sau dịch Covid-19, tuy giảm nhưng nhìn chung vẫn giữ mức ổn định trong giai đoạn 2019-2023.
Tình hình sản xuất công nghiệp dù gặp một số khó khăn do các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu, nhưng so với cùng kỳ sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng (cùng kỳ tăng 3,7%); kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện 4 tháng đầu năm 2023 là gần 1,200 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ, (thực hiện 30,6% kế hoạch năm); kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước 700,7 triệu USD giảm 5,9% so cùng kỳ, thực hiện 30,5% kế hoạch năm.
Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân được 500 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm được 1.906 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch, tăng 40,1% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 27,5% kế hoạch, tăng 25,6%). Đầu tư công của tỉnh Tiền Giang thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Lĩnh vực đầu tư tư nhân, trong 4 tháng đầu năm tỉnh Tiền Giang thu hút được 5 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.902 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án vốn đầu tư nước ngoài (29 tỷ đồng).
Trái với các lĩnh vực khác, thị trường bất động sản tại Tiền Giang gặp nhiều khó khăn do việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại địa phương gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng… dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm, khiến số lượng dự án được chấp thuận mới và các dự án hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, công nhân. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay đang thực hiện 23 dự án, với tổng diện tích đất là khoảng 153ha, gồm gần 7.300 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.379.000m2, 5 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 5000 căn hộ tại các khu công nghiệp và thành phố Mỹ Tho.
Như các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang cũng gặp nhiều khó khăn: Triển khai các dự án nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư, xây dựng; giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; áp dụng các quy định mới về công tác phòng cháy chữa cháy tại các công trình và một số thủ tục hành chính khiến hai dự án điện gió tại tỉnh không được hưởng ưu đãi đầu tư.
Từ những tồn tại trên, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất một số vấn đề nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, dự án thuận lợi triển khai. Cụ thể, Chính phủ ban hành gói cho vay hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này như kéo dài thời gian và mức hạ lãi suất. Xem xét giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, trong đó có các dự án điện gió được hưởng ưu đãi đầu tư…. đặc biệt, kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm 300ha đất khu công nghiệp cho Tiền Giang để phát triển Khu công nghiệp Tân Phước 2.
Tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phát triển và quản lý thị trường bất động sản. Cụ thể, bổ sung đối tượng thu nhập thấp có hộ khẩu tại nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Xem xét sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 54, Luật Nhà ở, trong đó bãi bỏ quy định “phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án”. Cùng đó, tỉnh Tiền Giang còn kiến nghị một số vấn đề liên quan đến an toàn công trình xây dựng, quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời….
Chia sẻ với tỉnh Tiền Giang về những vướng mắc hiện tại, đại diện các Bộ, ngành trong đoàn công tác đã giải đáp một số vấn đề thuộc thẩm quyền. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Tiền Giang về những kết quả tích cực tại các chỉ tiêu quan trọng góp phần vào tăng trưởng của cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng chia sẻ: Trong dự thảo Luật Nhà ở sẽ bỏ quy định về hộ khẩu khi mua nhà ở xã hội và sẽ bỏ quy định dành 20% trong quỹ đất nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội. Tất cả những thay đổi này nhằm hướng tới an sinh xã hội, người thu nhập thấp có nhà ở khang trang. Về chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp đã được Thủ tướng yêu cầu rà soát và bổ sung, vì vậy Tiền Giang sớm có thêm quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong đó có đầu tư công và thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm và tìm hướng tăng giá trị xuất khẩu và kích thích tiêu dùng. Cùng đó, Tiền Giang cần quản lý các cấp quy hoạch và phát triển nâng cấp đô thị; quan tâm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động…
Những kiến nghị còn lại không thuộc thẩm quyền, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các Bộ, ngành tổng hợp các ý kiến của tỉnh Tiền Giang trình Thủ tướng Chính phủ để tìm hướng giải quyết.