Phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) được xem là giải pháp tối ưu để xây dựng một đô thị hiện đại, bền vững. Ảnh: VGP/DA
Lấy giao thông công cộng làm trụ cột phát triển
TOD là mô hình phát triển đô thị tập trung quanh các điểm trung chuyển giao thông công cộng như nhà ga metro, bến xe buýt nhanh (BRT) hay các điểm kết nối đa phương tiện. Với bán kính phục vụ từ 400 – 800m tính từ điểm giao thông công cộng, mô hình TOD tạo ra các khu vực có mật độ cao, tích hợp nhiều chức năng như nhà ở, văn phòng, thương mại, dịch vụ công cộng… nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-Ga Hà Nội và các tuyến trong quy hoạch tổng thể. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng các khu đô thị theo mô hình TOD.
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TPHCM", Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội là đơn vị được giao triển khai thực hiện một số dự án phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng, đề xuất HĐND TP. Hà Nội ban hành nghị quyết để thực hiện các dự án trên.
Theo ông Nguyễn Cao Minh, TP. Hà Nội đang quá tải về giao thông, cơ sở hạ tầng phát triển không kịp với sự tăng trưởng của phương tiện. Từ thực tế đó, TP. Hà Nội đã có những định hướng cụ thể về việc phát triển đô thị theo mô hình TOD nhằm hiện thực hóa việc xây dựng thành phố theo mô hình nhanh, xanh, hiện đại và văn minh. Với định hướng này, Hà Nội lấy giao thông công cộng làm trụ cột phát triển.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội đang đi những bước đầu tiên trong việc phát triển đô thị theo mô hình TOD, trong đó, Luật Thủ đô 2024 là cơ sở pháp lý để phát triển đô thị theo định hướng GTCC. Luật Thủ đô 2024 cũng làm rõ khái niệm về đô thị TOD. Cụ thể, TOD sẽ chia làm các lớp để phát triển quản lý, là khu vực bao gồm nhà ga, depot đường sắt đô thị và khu vực xung quanh nhà ga, điểm đón, trả khách của các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác.
Ranh giới của khu vực TOD được xác định thông qua quy hoạch khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khu vực TOD có thể bao gồm tối đa 3 lớp: Lớp lõi, lớp chính và lớp mở rộng.
Quy hoạch khu vực TOD là quy hoạch được phát triển chuyên biệt theo định hướng ưu tiên đi lại bằng giao thông công cộng cho khu vực bao gồm nhà ga, depot đường sắt đô thị và vùng phụ cận để xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết hợp đầu tư phát triển đô thị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển xung quanh các nhà ga metro hiện nay vẫn chưa đồng bộ. Nhiều khu vực còn thiếu kết nối giao thông phụ trợ, thiếu không gian công cộng, cũng như các chức năng dịch vụ cần thiết để hình thành một "trạm trung tâm đô thị" đúng nghĩa.
Không chỉ vậy, quy hoạch sử dụng đất hiện hành chưa tích hợp hiệu quả với quy hoạch giao thông, khiến tiềm năng của TOD chưa được khai thác hết. Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cơ chế pháp lý và chính sách khuyến khích đầu tư cho các dự án TOD tại Việt Nam vẫn còn thiếu và chưa rõ ràng.
Nếu được triển khai đúng hướng, mô hình TOD sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thủ đô. Đầu tiên là giảm áp lực dân số và giao thông lên khu vực nội đô, khi người dân có thể sinh sống và làm việc tại các khu vực ngoại vi nhưng vẫn thuận tiện kết nối vào trung tâm.
Ngoài ra, việc phát triển các khu đô thị mật độ cao quanh các điểm giao thông còn giúp tiết kiệm đất đai, giảm chi phí đầu tư hạ tầng, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị bất động sản.
Không chỉ dừng lại ở yếu tố kinh tế, mô hình TOD còn hướng đến xây dựng một lối sống văn minh, ít phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, khuyến khích đi bộ, sử dụng xe đạp và các phương tiện công cộng. Đây chính là tiêu chí quan trọng để Hà Nội từng bước trở thành một đô thị xanh, thông minh và bền vững.
Cần quy hoạch và chính sách đồng bộ
Để hiện thực hóa mô hình TOD, Hà Nội cần tích hợp TOD vào quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, đặc biệt là tại các nút giao thông trọng điểm như các nhà ga metro, bến xe liên tỉnh, trạm trung chuyển lớn. Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư mạnh mẽ từ khu vực tư nhân vào các dự án tích hợp giao thông – bất động sản – thương mại – dịch vụ công cộng.
Ngoài ra, việc cải thiện hạ tầng mềm như hệ thống vỉa hè, đường đi bộ, bãi xe đạp, cây xanh và không gian công cộng cũng là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển TOD theo hướng nhân văn và thân thiện với người dân.
Về phát triển mô hình đô thị theo định hướng TOD, UBND TP. Hà Nội sẽ tiến hành phê điều chỉnh phương án tuyến, quy hoạch khu vực TOD để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi. Hà Nội cũng quyết định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, sử dụng đất, quy hoạch khác quy chuẩn quốc gia; chỉ định thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công, nhà thầu EPC, nhà đầu tư.
Việc phát triển đô thị theo mô hình TOD của TP. Hà Nội hướng đến 3 mục tiêu quan trọng là tăng số lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, đưa giao thông công cộng trở thành phương thức đi lại chủ yếu của người dân, đáp ứng 65-70% nhu cầu đi lại giai đoạn sau 2035;
Đồng thời, tăng cường kết nối, tiếp cận thuận tiện, giảm sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển đô thị kết hợp với đường sắt đô thị bền vững, đáng sống.