Làng Hạnh Phúc hướng đến tạo nên các ngôi nhà và cơ sở hạ tầng vững chắc, có khả năng chống chịu thiên tai như bão, lũ. Các vật liệu xây dựng được sử dụng là nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm thiểu chi phí xây dựng và thay thế.
Tái thiết cộng đồng dân cư một cách hiệu quả và bền vững
Trên toàn quốc hiện nay, có rất nhiều cụm dân cư đang bị đe dọa bởi nguy cơ thiên tai cần khắc phục, thậm chí là phải di dời đến nơi ở mới. Nhiều khu tái định cư được lập nên đôi lúc làm thay đổi cấu trúc văn hóa làng xã vốn có của cộng đồng dân cư.
Họ bị mai một và đứt gãy các giá trị văn hóa bản địa bởi sự tiếp biến các giá trị hoàn toàn mới. Một số ngôi làng đã có lịch sử hình thành và tồn tại khá lâu, nhưng do nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại như không có nhà vệ sinh, vật nuôi thả rông trong khuôn viên làng, chưa có hệ thống nước sạch...
Trong bối cảnh đó, dự án Làng Hạnh Phúc của Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Nhà chống lũ ra đời như một giải pháp giúp tái thiết cộng đồng dân cư một cách hiệu quả và bền vững.
Dự án được xây dựng trên nền tảng giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng. Nhà chống lũ nhận thấy rằng, thay vì chỉ xây dựng các ngôi nhà đơn lẻ cho từng hộ gia đình, cộng đồng cần một hệ sinh thái an toàn, văn minh, giúp bà con có thể tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa.
Mô hình quy hoạch xây dựng Làng Hạnh Phúc không chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thiết yếu, mà còn chú trọng phát triển sinh kế, bảo vệ sinh thái và cải thiện cảnh quan, tạo nên một hệ sinh thái cộng đồng bền vững.
Tất cả các yếu tố này được xây dựng dựa trên nền tảng văn hóa bản địa để bảo đảm tính bền vững dài lâu.
Tùy thực tế của từng ngôi làng, từng cụm dân cư, đơn vị thực hiện dự án sẽ xây dựng bản quy hoạch tổng quan và kế hoạch xây dựng cụ thể riêng biệt, bảo đảm xây dựng những cụm dân cư an toàn, văn minh và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Kiến tạo môi trường sống hài hòa và gìn giữ bản sắc văn hóa
Yếu tố cốt lõi mà dự án Làng Hạnh Phúc hướng đến là phát triển bền vững. Dự án được thiết kế dựa trên sự cân bằng ba yếu tố: phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong đó, dự án đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ số hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness Index - GNH), tập trung vào 4 khía cạnh: quản trị tốt, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu chính của dự án là giảm thiểu tác động thiên tai, nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện môi trường và duy trì bản sắc văn hóa bản địa. Quá trình xây dựng dự án xoay quanh 3 yếu tố: sinh tồn (an toàn), sinh kế (an sinh) và sinh thái (an nhiên).
Cụ thể, Làng Hạnh Phúc hướng đến tạo nên các ngôi nhà và cơ sở hạ tầng vững chắc, có khả năng chống chịu thiên tai như bão, lũ. Các vật liệu xây dựng được sử dụng là nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm thiểu chi phí xây dựng và thay thế.
Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân thông qua các mô hình du lịch sinh thái như home-stay và phát triển ngành nghề truyền thống như đan lát và thủ công mỹ nghệ. Bằng cách này, dự án không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân mà còn giúp bảo tồn văn hóa bản địa.
Với yếu tố sinh thái, nhà ở và không gian sống được thiết kế hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm sự mát mẻ, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Cộng đồng có hệ thống phòng tránh lũ lụt, giảm nguy cơ sạt lở và bảo vệ vệ sinh môi trường, đồng thời được trang bị các hệ thống tái chế nước và xử lý rác thải, giúp tạo ra môi trường sống trong lành, an toàn và bền vững.
Dự án Làng Hạnh Phúc áp dụng phương pháp tiếp cận “Chung tay” trong quá trình triển khai, với sự tham gia đồng bộ của cộng đồng hưởng lợi, chính quyền địa phương và các chuyên gia. Người dân được đặt vào vị trí trung tâm, đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và phát triển các công trình cộng đồng, bảo đảm tính bền vững và lan tỏa của mô hình.
Sau gần 5 năm triển khai (từ tháng 2/2019 đến tháng 6/2023), dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực tại hai địa bàn: Thôn 3, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (cộng đồng 50 hộ dân người Ca Dong) và Lâng Loan, thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (cộng đồng 70 hộ dân người Xơ Đăng).
Theo đó, dự án nỗ lực giải quyết các vấn đề theo định hướng phát triển: xây dựng Làng có sắp xếp không gian khoa học, giữ gìn giữa một số phong tục truyền thống của người bản địa, và phát triển sinh kế cho cộng đồng.
Thành công của dự án không chỉ đến từ những công trình cụ thể mà còn từ sự thay đổi nhận thức của người dân. Dân làng không còn ỷ lại vào hỗ trợ từ bên ngoài mà chủ động tham gia vào các hoạt động cộng đồng, từ việc xây dựng đến bảo trì các công trình. Chính quyền địa phương cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ và xem xét triển khai mô hình Làng Hạnh Phúc tại các khu vực lân cận, nhân rộng mô hình ra cộng đồng khác.
Dự án Làng Hạnh Phúc là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn phát triển cộng đồng dựa trên các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống và hạnh phúc bền vững. Qua gần 5 năm triển khai, dự án đã chứng minh rằng, với sự hợp tác giữa các bên và sự nỗ lực của chính cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực, lan tỏa giá trị sống hạnh phúc và bền vững.