Đưa Hội An trở thành đô thị “Sinh thái- Văn hóa- Du lịch” đẳng cấp quốc tế

UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây được xem là một bước chuyển lớn, định vị Hội An trở thành đô thị “Sinh thái - Văn hóa - Du lịch” đẳng cấp quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế một thành phố sáng tạo trên nền tảng văn hóa và di sản.

Đồ án do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 497/QĐ-UBND ngày 03/3/2025, định hướng xây dựng Hội An trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2030. Hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2030, định hướng phát triển đô thị “Sinh thái - Văn hóa - Du lịch” mang tầm quốc tế.

Phát triển Hội An trở thành đô thị phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt định hướng giữ gìn và phát triển Hội An theo hướng “Thành phố sáng tạo” dựa trên nền tảng văn hóa và di sản. Phát triển du lịch thông minh, du lịch xanh, tăng cường chất lượng gắn kết với liên kết linh hoạt tạo sự phát triển cho du lịch Hội An.

Theo đó, Hội An sẽ được mở rộng và phát triển trên diện tích khoảng 6.354,83 ha, bao gồm cả phần đất liền và hải đảo. Có 7 phân khu chức năng gồm: Khu đô thị lịch sử di sản; Khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa - dịch vụ, bổ trợ cho đô thị di sản; Khu phát triển mới đô thị và nông thôn; Khu dân cư sinh thái đảo; Khu đô thị và nông thôn gắn với cảnh quan sông nước; Khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển; Khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển (xã đảo Tân Hiệp).

 Phố cổ Hội An là trung tâm di sản- văn hóa- lịch sử

Trong đó, khu đô thị lịch sử di sản, khoảng 388,1 ha là trung tâm văn hóa, du lịch dịch vụ; trung tâm di sản lịch sử đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - đô thị của TP. Hội An.

Định hướng phát triển du lịch - đường dạo ven sông, gắn kết đô thị với dòng sông, khai thác các giá trị cảnh quan, tạo sự liên kết gắn kết với những điểm đến hấp dẫn có giá trị cảnh quan giúp du khách có thể trải nghiệm thăm quan ngoài khu vực trung tâm phố cổ.

Phát triển các mô hình dịch vụ, thương mại, hoạt động vui chơi giải trí mới, hiện đại và bản sắc tại các tuyến phố đô thị và nông thôn, trên sông, trên đầm và trên biển (Cù Lao Chàm).

Định hướng các không gian nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển theo mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở Cẩm Thanh, Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân Hiệp (Cù Lao Chàm)...

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực trồng rừng nguyên liệu; trồng cây bản địa, các loại cây gỗ quý gắn với công tác bảo vệ rừng đầu nguồn và hình thành các lâm viên, phát triển vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, rừng ngập mặn.

Về định hướng bảo tồn không gian thiên nhiên và kiến trúc cảnh quan đô thị, Quy hoạch Khu vực phố cổ quản lý theo Quy chế đặc thù riêng dành cho Di sản UNESCO, theo hồ sơ di tích; tuân thủ Luật Di sản và Công ước Quốc tế về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Điểm nhấn quan trọng của đồ án lần này là hướng Hội An đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, quy hoạch thiết lập hành lang xanh dọc các tuyến sông, kênh với chiều rộng tối thiểu 10m. Với khu vực cồn bãi, khống chế diện tích xây dựng từ 10 - 15%, diện tích cây xanh tối thiểu phải đạt 85 - 90%.

Phát huy hiệu quả và nhân rộng dự án trồng phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước tại khu di tích rừng dừa Bảy Mẫu, trồng mới ven các con sông, kênh rạch và trồng kết hợp vào hệ thống đầm nuôi thủy sản,...

Mở rộng nhánh sông khu vực xã Duy Phước - Bàn Thạch, xã Duy Vinh, tạo thành dòng chảy chính thứ hai ra cửa biển, giảm áp lực nước lũ lên di sản phố cổ; xây dựng các hệ thống hồ điều hòa trong Thành phố và xây dựng kịch bản sống chung với lũ cho Thành phố.

Để giảm thiểu các thiệt hại từ biến đổi khí hậu trong giai đoạn đầu quy hoạch, cơ quan chức năng sẽ đẩy nhanh tiến độ các giải pháp, công trình, dự án khắc phục tình trạng xói lở tại bờ biển, kè sông thuộc phạm vi của TP.Hội An. Đồng thời xây dựng khung pháp lý và các giải pháp để quản lý tổng hợp bờ biển và khu vực hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn; hệ thống sông Cổ Cò.

Quy hoạch cũng định hướng di dời những cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi khu ở, khu dân cư vào sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Định hướng tiếp tục phát triển công nghiệp nhẹ (dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, lắp ráp điện tử…), gắn với bối cảnh văn hóa (nghệ thuật cũng như văn hóa và kỹ thuật thủ công địa phương).

Bảo tồn cấu trúc “Vườn trong phố - phố trong vườn”, đề xuất bảo tồn các cấu trúc đặc trưng và phân vùng để quản lý và định hướng phát triển với 4 vùng: Vùng lõi đô thị hiện hữu, vùng phát triển mới đô thị và nông thôn, vùng bảo tồn châu thổ sông nước và vùng bảo tồn biển đảo./.

(Nguồn:tapchitaichinh.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website